Xây dựng mô hình phát triển một số sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP từ hạng 3 sao trên địa bàn huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được xem là một trong những chương trình phát triển kinh tế quan trọng của cả nước, là động lực phát triển kinh tế nông thôn (Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025).
Khi tham gia chương trình OCOP, các địa phương trên cả nước đã có cơ hội giới thiệu và phát triển những sản phẩm đặc trưng của mình, chuyển từ mô hình sản xuất tự phát sang liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa. Từ đó, tạo ra được nhiều sản phẩm có thương hiệu đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần vào sự phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới bền vững.
Tại huyện Dầu Tiếng, một số sản phẩm nông nghiệp như rượu gạo nếp ở xã Long Hòa, dưa lưới ở xã An Lập, cam sành, quýt đường, bưởi da xanh ở xã Minh Hòa và tổ yến sào ở xã Minh Tân đều mang lại tiềm năng phát triển mạnh mẽ khi tham gia chương trình OCOP. Việc phân hạng sản phẩm từ 3 sao trở lên không chỉ tạo điều kiện để những sản phẩm này cạnh tranh tốt hơn trên thị trường mà còn giúp nâng cao thu nhập cho các chủ thể sản xuất.
Chương trình OCOP tại huyện Dầu Tiếng không chỉ giúp hoàn thiện các sản phẩm nông nghiệp mà còn mở ra cơ hội phát triển cho những sản phẩm khác trong khu vực, đồng thời tăng giá trị cho nông sản và phát huy thế mạnh của địa phương.
ThS. Vũ Mạnh Hà và các cộng sự thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững đã thực hiện dự án: “Xây dựng mô hình phát triển một số sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP từ hạng 3 sao trên địa bàn huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương” trong thời gian từ 12/2021 đến tháng 11/2023 với mục tiêu xây dựng các sản phẩm nông nghiệp đánh giá phân hạng OCOP từ 3 sao gồm: Rượu gạo nếp; dưa lưới; cam sành, quýt đường, bưởi da xanh và tổ yến sào. Tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm được đánh giá phân hạng OCOP trên thị trường, giúp nâng cao thu nhập cho người dân góp phần phát triển kinh tế nông thôn ở huyện Dầu Tiếng. Từ đó, định hướng và lựa chọn sản phẩm tham gia chương trình OCOP cho các đơn vị sản xuất, người nông dân, hợp tác xã trên địa bàn huyện Dầu Tiếng.
Để thực hiện dự án, nhóm nghiên cứu đã triển khai các công việc như: xác định chủ thể và quy mô sản xuất, xây dựng câu chuyện sản phẩm, lập phương án sản xuất và kinh doanh, hoàn thiện quy trình sản xuất, đánh giá vệ sinh an toàn thực phẩm, thiết kế bao bì và tem nhãn sản phẩm, đăng ký bảo vệ môi trường, xây dựng video quảng bá sản phẩm và đăng ký sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.
Sau thời gian nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã xây dựng và phát triển 06 sản phẩm nông nghiệp tham gia chương trình OCOP và được phân hạng 3 sao gồm rượu gạo nếp năng lượng, dưa lưới, cam sành, quýt đường, bưởi da xanh và tổ yến sào tinh chế. Điều này đã góp phần trong việc tăng thu nhập cho những chủ thể có sản phẩm OCOP 3 sao, cụ thể sau khi sản phẩm được phân hạng OCOP 3 sao, thu nhập của các chủ thể tăng khoảng 15% so với trước khi sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Bên cạnh đó, dự án đã tập huấn cho 180 người và tổ chức cho 320 người tham dự hội thảo về chương trình OCOP. Đây là những đối tượng có thể trực tiếp tham gia xây dựng và đăng ký chương trình OCOP và tuyên truyền cho những hộ gia đình xung quanh biết, hiểu và đăng ký tham gia chương trình OCOP.
Qua đó, những người tham dự đã hiểu rõ về chương trình OCOP, lựa chọn sản phẩm tham gia chương trình OCOP, các yêu cầu của bộ hồ sơ OCOP, các tiêu chí đánh giá, cho điểm và phân hạng sản phẩm. Đồng thời cũng nắm bắt được quá trình xây dựng, hoàn thiện sản phẩm OCOP, những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện và xác định giải pháp tốt nhất khi phát triển sản phẩm OCOP.
Thông qua kết quả đạt được, dự án đã mang lại những thành công lớn trong việc nâng cao giá trị nông sản địa phương và phát triển kinh tế nông thôn, tạo đà cho những sản phẩm nông nghiệp tiếp tục phát triển trong tương lai.
Nguồn tóm tắt KQNC “Xây dựng mô hình phát triển một số sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP từ hạng 3 sao trên địa bàn huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương” của ThS. Vũ Mạnh Hà. Xem toàn văn tại Trung tâm Thông tin và Thống Kê Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương
Vũ Mạnh Hà