Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc Đổi mới của đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050
- Đơn vị thực hiện: Hội đồng lý luận Trung ương
- Chủ nhiệm đề án: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh,
- Thời gian thực hiện: Từ tháng 7/2023-7/2024.
- Đơn vị được bàn giao kết quả: Tỉnh ủy Bình Dương
+ Kết quả nghiên cứu của Đề án được gửi tới Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương, các sở ban ngành, đơn vị để làm cơ sở ban hành các cơ chế, chính sách phát triển tỉnh Bình Dương trong thời gian tới.
+ Báo cáo nghiên cứu của Đề án cũng sẽ được chia sẻ, gửi tới các cơ quan nghiên cứu khoa học của Bình Dương và cả nước làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy. Đặc biệt, báo cáo này sẽ được Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sử dụng phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong cả nước.
+ Các đề xuất kiến nghị của Đề án được gửi tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ, ngành; Ban, cơ quan Đảng Trung ương; các tỉnh/thành ủy các tỉnh/thành trong cả nước, nhất là vùng Đông Nam Bộ.
- Sự cần thiết để thực hiện đề án:
Năm 1986, Việt Nam bắt đầu tiến hành công cuộc Đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiến hành công nghiệp hoá gắn với mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài và hướng về xuất khẩu. Nhờ vậy, đất nước đã vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc, thoát khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành nước đang phát triển, thu nhập trung bình. Trong tiến trình Đổi mới của đất nước, ít người nghĩ rằng Bình Dương (là tỉnh được tách lập vào năm 1997 từ tỉnh Sông Bé), cái tên gần như không được biết đến trên bản đồ kinh tế của Việt Nam lại trở thành địa phương tiên phong với những lựa chọn và cách làm đúng đắn để trở thành một trong những địa phương thành công nhất Việt Nam về mở cửa, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xã hội.
Thứ nhất, với trình độ phát triển hiện nay, có thể xếp Bình Dương là tỉnh công nghiệp hóa, thu nhập trung bình cao. So sánh với trình độ chung của cả nước thì có thể nói trình độ phát triển của Bình Dương đã đi trước cả 10 năm. Thứ hai, Bình Dương là địa phương có sức hút mạnh mẽ đối với người dân đến sinh sống, làm việc. Tốc độ tăng trưởng dân số của Bình Dương trong 25 năm qua lên đến 5,6%/năm, cao hơn hẳn 62 địa phương còn lại. Thứ ba, nơi lựa chọn của các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Luỹ kế vốn FDI thu hút hết năm 2021 đã hơn 37 tỷ USD, bằng 75% TP Hồ Chí Minh và cao hơn Hà Nội. Số doanh nghiệp đăng ký hoạt động đến hết năm 2021 là hơn 50.000 doanh nghiệp, chỉ thấp hơn TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Thứ tư, Bình Dương tỉnh còn là trung tâm sản xuất công nghiệp công nghệ cao và hiện đại bậc nhất Việt Nam với nhiều doanh nghiệp thành công, có năng lực cạnh tranh cao. Bình Dương có các doanh nghiệp rất thành công ở cả ba loại hình (nhà nước, ngoài nhà nước và FDI). Sự thành công của Bình Dương xuất phát từ sự “chung lưng đấu cật” giữa chính quyền và các doanh nghiệp. Không chỉ xuất sắc trong lĩnh vực phát triển kinh tế, những kết quả đạt được trong các lĩnh vực văn hoá - xã hội, phát triển con người, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị… của tỉnh Bình Dương trong 26 năm qua cũng rất ấn tượng. Bài học kinh nghiệm của tỉnh Bình Dương 40 năm qua, nhất là 26 năm kể từ khi tách lập tỉnh, bước đầu đã chỉ ra những nhân tố hết sức quan trọng, nhất là vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự ủng hộ về mặt cơ chế, chính sách của Trung ương, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp,
Sự thành công của tỉnh Bình Dương là rất ấn tượng. Để góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045, Việt Nam cần có các chính sách mang tầm chiến lược để những địa phương đi đầu đã thành công như tỉnh Bình Dương tiếp tục phát triển thành công và các địa phương đi sau có thể tiếp bước những địa phương đi trước trong ba thập niên tới.
Nhằm phục vụ cho việc tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước, góp phần xây dựng lý luận về đường lối đổi mới; tổng kết mô hình, đánh giá kết quả phát triển đạt được, trên cơ sở đó, rút ra các bài học kinh nghiệm, xác định tầm nhìn, mục tiêu, mô hình và những định hướng phát triển cho tỉnh Bình Dương đến giữa thế kỷ, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Bình Dương thực hiện đề án nghiên cứu “Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc Đổi mới của đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050”.
- Mục tiêu đề án:
Nghiên cứu, tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc Đổi mới của đất nước và xác định tầm nhìn chiến lược, mô hình, định hướng và lộ trình phát triển cho tỉnh Bình Dương đến giữa thế kỷ (giai đoạn 2045-2050), góp phần phục vụ cho việc tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới của đất nước, xây dựng lý luận về đường lối Đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cụ thể:
+ Đánh giá những kết quả phát triển đạt được, những bất cập, hạn chế của tình Bình Dương trên tất cả các mặt trong thời kỳ Đổi mới, nhất là từ khi tái lập tỉnh (năm 1997).
+ Xác định, làm rõ những đặc trưng nổi bật của mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc Đổi mới của đất nước.
+ Phân tích những nguyên nhân, nhất là cách làm dẫn đến sự thành công và rút ra những bài học kinh nghiệm từ kết quả đạt được của tỉnh Bình Dương.
+ Phân tích, dự báo những nhân tố tác động đến sự phát triển của tỉnh Bình Dương trong khoảng ba thập kỷ tới
+ Xác định quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, mô hình, định hướng chiến lược và lộ trình phát triển của tỉnh Bình Dương đến năm 2050.
+ Kiến nghị, đề xuất các chủ trương, cơ chế, chính sách để tỉnh Bình Dương có những đột phá phát triển trong tương lai.
- Kết quả thực hiện đề án:
+ Đề án góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về mô hình phát triển của địa phương; làm rõ kinh nghiệm phát triển của một số địa phương trong nước và quốc tế và rút ra giá trị tham khảo cho tỉnh Bình Dương.
+ Đề án đã hệ thống hóa, đánh giá những kết quả phát triển đạt được, những bất cập, hạn chế của tỉnh Bình Dương trên tất cả các mặt trong thời kỳ Đổi mới, nhất là từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) và xác định, làm rõ những nội dung nổi bật của mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc Đổi mới của đất nước.
+ Đề án phân tích những nguyên nhân, nhất là cách làm dẫn đến sự thành công và rút ra những ý nghĩa, bài học kinh nghiệm từ thực tiễn mô hình phát triển tỉnh Bình Dương 25 năm qua.
+ Đề án dự báo những nhân tố tác động, đề xuất quan điểm, mục tiêu, định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp phát triển của tỉnh Bình Dương đến năm 2050.
+ Đề án cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc đề xuất các chủ trương, cơ chế, chính sách với Trung ương giúp Bình Dương tiếp tục có được những đột phá phát triển mới trong thời gian tới.
+ Kết quả nghiên cứu của Đề án góp phần tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, hoàn thiện lý luận về đường lối Đổi mới, chuẩn bị một bước cho việc xây dựng các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng
+ Đề án góp phần chia sẻ kinh nghiệm phát triển với các địa phương khác trong cả nước.
Nguồn KQNC: "Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc Đổi mới của đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050”. Xem toàn văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương
Hoàng Ngọc Diệu Hiền