Xây dựng mô hình sản xuất tinh dầu từ phụ phẩm cam sành và bưởi da xanh tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và phát triển một số sản phẩm ứng dụng từ tinh dầu
Cây có múi ở huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương đã dần trở thành một thương hiệu nổi tiếng, thu hút thương lái gần xa tìm về thu mua, tiêu thụ khắp mọi miền đất nước. Tổng lượng phụ phẩm ước tính bình quân là 6361,5 tấn/ha/năm cho bưởi và 3228,2 tấn/ha/năm cho cam. Trong đó, phụ phẩm bao gồm cam/bưởi non, cam/bưởi kém chất lượng không đủ tiêu chuẩn để thương lái thu mua. Mỗi vụ, khoảng 30-40% lượng cam non/ bưởi non (2-3 tháng tuổi) phải được tỉa bỏ đi để đảm bảo dinh dưỡng cho trái và chất lượng thu hoạch. Lượng lớn phụ phẩm này hiện nay chủ yếu là bỏ đi, chưa được sử dụng đúng cách, chưa có giá trị sử dụng và không đem lại giá trị kinh tế, đồng thời gây ảnh hưởng đáng kể đến môi trường nếu thải ra môi trường mà không được xử lý đúng cách. Nhận ra tầm quan trọng của việc chuyển đổi sản xuất theo hướng đáp ứng nhu cầu “xanh, sạch” của người tiêu dùng, bước tiếp những thành công từ việc phát triển các vùng chuyên canh cây có múi, hiện nay, nhiều hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất tại Bắc Tân Uyên đã đẩy mạnh sản xuất cây có múi theo hướng hữu cơ, đem lại chất lượng tốt và hứa hẹn những “trái ngọt” bội thu.
Đơn vị thực hiện: Trường ĐH Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh
Chủ nhiệm dự án: PGS. TS. Mai Huỳnh Cang
Thời gian thực hiện: 12/2021- 06/2024
Đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất tinh dầu từ phụ phẩm cam sành và bưởi da xanh là hướng đi phù hợp cho ngành nông nghiệp tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Vì vậy, dự án “Xây dựng mô hình sản xuất tinh dầu từ phụ phẩm cam sành và bưởi da xanh tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và phát triển một số sản phẩm ứng dụng từ tinh dầu” được tiến hành để kịp thời đáp ứng nhu cầu cho người nông dân, doanh nghiệp, và người tiêu dùng trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Dự án do trường Đại học Nông Lâm Tp Hồ Chí Minh chủ trì và chủ nhiệm dự án là PGS. TS. Mai Huỳnh Cang thực hiện. Đơn vị phối hợp thực hiện là Hợp tác xã Nông nghiệp- Thương Mại- Du lịch và Vận Tải Dân Tiến, ấp Thiềng Liềng, Xã Tân Định, Huyện Bắc Tân Uyên, Tỉnh Bình Dương.
Mục tiêu dự án: Mục tiêu tổng quát của dự án là Ứng dụng kỹ thuật và công nghệ vào quy trình chưng cất tinh dầu và quy trình sản xuất các sản phẩm chăm sóc cá nhân và chăm sóc gia đình từ tinh dầu cam/ bưởi nhằm tận dụng nguồn phụ phẩm, nâng cao giá trị sử dụng, gia tăng kinh tế cho người nông dân nhằm góp phần phát triển kinh tế bền vững tại Bắc Tân Uyên, Bình Dương. Các mục tiêu cụ thể của dự án bao gồm:
Xây dựng được quy trình công nghệ chưng cất tinh dầu vỏ cam/ bưởi từ nguồn phụ phẩm cam/ bưởi quy mô 200kg nguyên liệu/ mẻ.
Thiết kế, lắp đặt được hệ thống chưng cất tinh dầu vỏ cam/ bưởi từ nguồn phụ phẩm cam/ bưởi quy mô 200kg nguyên liệu/ mẻ.
Xây dựng được quy trình sản xuất 04 sản phẩm từ tinh dầu (dung dịch khuếch tán tinh dầu cam, nước xịt phòng tinh dầu cam; xịt dưỡng tóc tinh dầu bưởi; dầu gội tinh dầu bưởi).
Xây dựng được TCCS cho các sản phẩm: tinh dầu vỏ cam sành, tinh dầu vỏ bưởi, dung dịch khuếch tán tinh dầu cam, nước xịt phòng tinh dầu cam; xịt dưỡng tóc tinh dầu bưởi; dầu gội tinh dầu bưởi.
Kết quả thực hiện dự án:
Quy trình thực tế thu được hiệu quả thu hồi là từ 1,2- 1,5 lit tinh dầu/ 100kg vỏ bưởi non; hiệu suất thu hồi tinh dầu cam là 2,5- 3 lit tinh dầu/ 100kg vỏ; hàm lượng limonen của tinh dầu đạt trung bình 85- 90%. Tinh dầu đạt tiêu chuẩn Việt Nam tham khảo cho dòng tinh dầu từ phương pháp ép (TCVN 11423:2016 dành cho bưởi và TCVN 11424:2016 dành cho cam ngọt).
Xây dựng được 2 bộ tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm tinh dầu vỏ cam và vỏ bưởi cho HTX Dân Tiến.
01 mô hình sản xuất tinh dầu vỏ cam, tinh dầu vỏ bưởi (quy mô 200 kg nguyên liệu/mẻ) tại HTX Dân Tiến kèm bộ hồ sơ thiết kế bản vẽ và quy trình hướng sử dụng thiết bị chưng cất tinh dầu đa năng. Mô hình gồm 1 máy xay, 1 thiết bị chưng cất, 1 máy khuấy đũa và 1 máy gọt vỏ bưởi. Mô hình đang vận hành và đã có thể đưa sản vào sản xuất.
Quy trình công nghệ sản xuất các sản phẩm dầu gội tinh dầu bưởi, xịt dưỡng tóc tinh dầu bưởi, xịt phòng tinh dầu cam và khuếch tán tinh dầu cam. Trong đó, 2 sản phẩm dầu gội và xịt dưỡng tóc tinh dầu bưởi đã được cấp Phiếu công bố chất lượng theo tiêu chuẩn của Sở Y Tế; hai sản phẩm còn lại là khuếch tán và xịt phòng tinh dầu cam đã được công bố tiêu chuẩn cơ sở của HTX Dân Tiến.
Dự án đã triển khai thành công mô hình sản xuất tinh dầu vỏ bưởi và vỏ cam quy mô 200kg nguyên liệu/mẻ và 1 số sản phẩm ứng dụng từ tinh dầu cam, tinh dầu bưởi có thể đưa vào thực tiễn cuộc sống, đưa sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên vào cuộc sống, góp phần bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, giảm thiểu việc lạm dụng hoá chất. Nhóm dự án kiến nghị mô hình sản xuất được duy trì và nhân rộng hơn tại các HTX khác trong địa bàn Huyện Bắc Tân Uyên và tỉnh Bình Dương để nâng cao giá trị phụ phẩm tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân đồng thời giảm thiểu tác hại môi trường.
Hiệu quả dự án:
Đối với lĩnh vực KH&CN
Xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất và bảo quản sản phẩm tinh dầu vỏ cam, bưởi từ nguồn nguyên liệu trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên sẽ cung cấp thêm nhiều dữ liệu, thông tin khoa học quan trọng đối với giới KH & CN. Kết quả nghiên cứu của dự án sẽ là cơ sở thúc đẩy phát triển một số chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học công nghệ để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ nguồn trái cây vùng nhiệt đới.
Đối với tổ chức chủ trì và các cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu
Tiếp nhận được tiến bộ kỹ thuật, giúp rút ngắn thời gian sản xuất thử nghiệm; tạo sản phẩm có độ tin cậy tốt với người tiêu dùng nhờ vào kết quả được chuyển giao từ Trường đại học - minh chứng tin cậy cho độ an toàn và chất lượng của sản phẩm; tăng cường hiểu biết và tiếp cận khoa học, công nghệ của công nhân tại hợp tác xã.
Đối với kinh tế - xã hội và môi trường
Dự án sẽ tạo ra sự chuyển biến cho ngành hàng nông sản, đặc biệt là quả có múi tại địa phương, góp phần tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng từ nguyên liệu sẵn có phổ biến ở địa phương, gia tăng giá trị kinh tế và phát triển xã hội nhờ vào việc tạo ra hàng hóa có nhu cầu sử dụng cao, phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Kết quả thực hiện của dự án có thể ứng dụng trong các sản phẩm cùng nhóm; đáp ứng các mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Dự án được thực hiện sẽ có tính hiệu quả cao vì góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực, tạo thêm việc làm và thu nhập cho hợp tác xã và người dân tại vùng triển khai nghiên cứu. Đây cũng là giai đoạn tiền đề để tạo ra cơ hội cho một vùng thâm canh trồng cây có múi chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, và phát huy hiệu quả kinh tế cho người nông dân của huyện Bắc Tân Uyên nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung. Thành công của dự án chính là việc tạo ra sản phẩm mang yếu tố xã hội do góp phần gia tăng giá trị cho cây có múi, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, và thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển tại tỉnh Bình Dương.
Về phương diện kinh tế, việc tạo ra sản phẩm có giá trị tăng cao từ nguồn nguyên liệu địa phương sẽ tạo thêm việc làm, thúc đẩy việc gia tăng thu nhập cho người dân và các hợp tác xã tại vùng triển khai nghiên cứu. Góp phần định hướng phát triển các nguồn nguyên liệu thế mạnh của huyện Bắc Tân Uyên. Dự án tận dụng nguồn phụ phẩm từ các quá trình chế biến, từ đó phát triền thành các sản phẩm hữu ích, có giá trị giúp tránh lãng phí nguồn nguyên liệu bỏ đi.
Nguồn KQNC: "Xây dựng mô hình sản xuất tinh dầu từ phụ phẩm cam sành và bưởi da xanh tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và phát triển một số sản phẩm ứng dụng từ tinh dầu”. Xem toàn văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương
Nguyễn Mộng Giang