Giải pháp phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế góp phần phục hồi, phát triển bền vững kinh tế tỉnh Bình Dương
Trong thời gian qua tỉnh ủy Bình Dương đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số số 12-CT/TW ngày 05/01/2017 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế” trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW được cụ thể hóa sâu sát, chặt chẽ với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị vào công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện thống nhất, quyết liệt từ tỉnh đến địa phương, giữ vững sự tăng trưởng và ổn định nền kinh tế của Tỉnh. Hầu hết các chỉ tiêu đều vượt so với kế hoạch đề ra; tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả khả quan, theo đúng định hướng và quy hoạch của tỉnh
Đơn vị thực hiện: Viện An ninh phi truyền thống (Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội)
Chủ nhiệm đề tài: Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm
Thời gian thực hiện: 22 tháng từ tháng 3/2023 đến tháng 10/2024
.
Bên cạnh những kết quả tích cực, có thể thấy năng suất, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn thấp; trình độ quản trị, hiệu quả kinh doanh, năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ còn hạn chế; quy định pháp luật về quản lý kinh tế, đầu tư, kinh doanh vẫn còn những bất cập; thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng… còn khó khăn; chi phí về vốn, logistics, thủ tục hành chính còn cao. Tình trạng vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp. Điển hình, trên một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục liên quan tới lãnh đạo chủ chốt của tỉnh; hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tham ô tài sản trong việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giả, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm, mua bán kit xét nghiệm COVID-19; tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng là thuốc chữa bệnh, vật tư trang thiết bị y tế; các tội phạm trong lĩnh vực đất đai tiếp tục diễn biến gia tăng, phức tạp, phổ biến là vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, lợi dụng hoạt động kinh doanh bất động sản để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong thời gian tới, bên cạnh những thời cơ thuận lợi; song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương như: Các nguy cơ đe dọa đến an ninh nội bộ; tài chính tiền tệ; trong các doanh nghiệp FDI; về nguồn lực lao động; đứt gãy đơn hàng, đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông và xuất khẩu hàng hóa; đặc biệt là tình hình tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đe dọa đến an ninh kinh tế...
Về mặt lý luận, cho đến nay chưa có công trình nào đặt ra nghiên cứu về cơ sở khoa học và xây dựng các luận cứ để đề xuất xây dựng các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh kinh tế phục vụ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và phát triển bền vững kinh tế tỉnh Bình Dương. Chưa có công trình nào nghiên cứu, xây dựng các phương án, kịch bản xử lý, ứng phó với các mối đe dọa an ninh kinh tế, phục hồi kinh tế, phát triển bền vững kinh tế tỉnh Bình Dương. Chưa xây dựng được Bộ công cụ quản trị an ninh kinh tế cấp tỉnh để làm cơ sở vận dụng vào thực tiễn bảo đảm an ninh kinh tế cũng như là căn cứ để đánh giá kết quả bảo đảm an ninh kinh tế của một địa phương cấp tỉnh như Bình Dương. Do đó, để chủ động phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương là vấn đề rất cấp bách cả về phương diện lý luận cũng như thực tiễn. Vì vậy, năm 2023-2024 Viện An ninh phi truyền thống (Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương đã tổ chức, triển khai, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ: “Giải pháp phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế góp phần phục hồi, phát triển bền vững kinh tế tỉnh Bình Dương”.
Mục tiêu đề tài: Mục tiêu của đề tài tập trung vào việc nghiên cứu toàn diện các nguy cơ đe dọa đến an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Cụ thể, đề tài nhằm nhận diện các nguy cơ đe dọa về an ninh kinh tế, an ninh tài chính, an ninh doanh nghiệp đã, đang và có khả năng sẽ xảy ra tại địa phương. Trên cơ sở đó, tiến hành đánh giá thực trạng các nguy cơ đe dọa này và phân tích mức độ ảnh hưởng của chúng đối với quá trình phục hồi và phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương. Đồng thời, đề tài hướng tới việc dự báo các nguy cơ tiềm ẩn về an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2022–2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Từ những phân tích, đánh giá đó, đề tài sẽ đề xuất các phương án, kịch bản khung nhằm phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế. Cuối cùng, đề tài cũng đặt ra mục tiêu tuyên truyền, phổ biến, tổ chức tập huấn cho các cấp, các ngành trong tỉnh nhằm triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, đồng thời phục vụ công tác giảng dạy kiến thức quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Bình Dương một cách hiệu quả.
Kết quả thực hiện đề tài: Kết quả thực hiện đề tài được thể hiện qua nhiều sản phẩm khoa học và ứng dụng thực tiễn phong phú. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã xây dựng Báo cáo khoa học tổng kết đề tài, tổng hợp đầy đủ quá trình nghiên cứu, kết quả đạt được và những kiến nghị cụ thể. Bên cạnh đó, các chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu cũng được hoàn thiện và trình bày rõ ràng trong hệ thống báo cáo chuyên đề, cùng với báo cáo xử lý số liệu điều tra, khảo sát phục vụ cho phân tích thực trạng và dự báo nguy cơ. Đề tài cũng tổ chức thành công 02 hội thảo, 03 tọa đàm khoa học, được tuyển tập thành tài liệu nhằm chia sẻ tri thức và thu thập ý kiến chuyên gia. Một kết quả nổi bật là các phương án khung về giải quyết, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế đã được xây dựng và đề xuất, đi kèm theo đó là các giải pháp nâng cao hiệu quả bảo đảm an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã biên soạn bộ tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, tập huấn và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh, phù hợp cho các cấp, các ngành trong tỉnh sử dụng lâu dài. Ngoài ra, đề tài còn đạt được những sản phẩm khoa học tiêu biểu ở dạng II như: 03 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành, 01 sách chuyên khảo tổng kết các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến an ninh kinh tế tại Bình Dương, cùng với 02 luận văn thạc sĩ được thực hiện dựa trên nội dung và dữ liệu của đề tài, góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực nghiên cứu này.
Hiệu quả đề tài: Hiệu quả của đề tài được thể hiện trên nhiều phương diện lý luận, thực tiễn và ứng dụng chính sách, góp phần quan trọng vào công tác bảo đảm an ninh kinh tế tại tỉnh Bình Dương. Trước hết, đề tài đã làm rõ lý luận về an ninh kinh tế và cơ sở lý luận về quản trị an ninh kinh tế, đồng thời phân tích sâu sắc mối quan hệ giữa an ninh kinh tế với an ninh quốc gia, an ninh phi truyền thống và phát triển bền vững, qua đó góp phần hoàn thiện đường lối, chính sách, hệ thống pháp luật về quản trị an ninh kinh tế quốc gia, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, đề tài đã đánh giá thực trạng an ninh kinh tế và kết quả hoạt động phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đặc biệt ở các lĩnh vực trọng điểm, từ đó làm rõ thực trạng quản trị an ninh kinh tế, tạo cơ sở khoa học cho việc nâng cao hiệu quả công tác này trong giai đoạn tới. Ngoài ra, đề tài còn có đóng góp trong việc dự báo quy luật phát triển của tình hình an ninh kinh tế, đánh giá khả năng phòng ngừa, ứng phó của các cơ quan chức năng thuộc tỉnh, từ đó xây dựng căn cứ khoa học cho việc xây dựng Chiến lược Quản trị an ninh kinh tế tỉnh Bình Dương.
Các giải pháp, biện pháp bảo đảm an ninh kinh tế được đề xuất không chỉ mang tính khả thi, bền vững mà còn có tính ứng dụng cao trong nhiều lĩnh vực cụ thể, phục vụ thiết thực cho mục tiêu bảo đảm an ninh trật tự và phát triển bền vững của tỉnh trong bối cảnh mới. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu còn mở ra hướng tiếp cận mới trong hoạch định chính sách, góp phần vào việc phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật kinh tế tại địa phương. Hệ thống dữ liệu, thông tin thu thập được từ đề tài cũng cung cấp nguồn tư liệu quan trọng cho các cơ quan nghiên cứu, quản lý liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh. Đề tài đồng thời nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ an ninh kinh tế của các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp và doanh nghiệp, hỗ trợ công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm kinh tế. Kết quả nghiên cứu còn góp phần tích cực vào bảo đảm an ninh trật tự, khắc phục các hạn chế và tác động tiêu cực của việc mất an ninh kinh tế, qua đó phục vụ thiết thực cho sự phát triển toàn diện của tỉnh. Cuối cùng, các sản phẩm của đề tài đã có tác động tích cực đến hoạt động của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo cán bộ và hoạt động thực tiễn trong công tác bảo vệ an ninh kinh tế tại tỉnh Bình Dương.
Nguồn KQNC: " Giải pháp phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế góp phần phục hồi, phát triển bền vững kinh tế tỉnh Bình Dương”. Xem toàn văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương
Nguyễn Mộng Giang