Tính biểu cảm của chất liệu đồng trong điêu khắc ở Đông Nam Bộ (Từ năm 1986 - 2020)
Đây là đề tài nghiên cứu của tác giả Mai Ngọc Tuyền thực hiện vào năm 2023 với mục tiêu nghiên cứu chất liệu đồng của điêu khắc ở Đông Nam Bộ từ năm 1986 đến năm 2020 và giá trị thẩm mỹ của tính biểu cảm chất liệu đồng trong các công trình công cộng và tác phẩm điêu khắc tại Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, đề tài nhằm tìm ra nét đặc trưng, mặt mạnh, mặt hạn chế để phát huy ứng dụng trong chuyên ngành và cá nhân học viên trong quá trình nghiên cứu và sáng tạo nghệ thuật.
Cụ thể hơn, đề tài được thực hiện nhằm nghiên cứu khái quát một số cơ sở lý luận, thực tiễn về điêu khắc chất liệu đồng trên thế giới, Việt Nam và hoạt động điêu khắc ở khu vực Đông Nam Bộ; nghiên cứu, phân tích một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu thể hiện tính biểu cảm của chất liệu đồng trong điêu khắc ở Đông Nam Bộ từ 1986 đến năm 2020, nhằm tìm ra những đặc điểm chung, riêng. Từ đó, nhận định tính biểu cảm chất liệu đồng trong điêu khắc ở Đông Nam Bộ từ 1986 đến năm 2020 để áp dụng trong chuyên môn và tác phẩm thể nghiệm tốt nghiệp.
Đề tài thực hiện nghiên cứu tính biểu cảm của chất liệu đồng trong điêu khắc ở Đông Nam Bộ trên phạm vi cả 2 chiều là không gian và thời gian. Về không gian, tính biểu cảm của điêu khắc chất liệu đồng tại Đông Nam Bộ thông qua các tác phẩm tiêu biểu trong trang trí, tham gia triển lãm và trong không gian công cộng. Về thời gian, nghiên cứu các tác phẩm điêu khắc chất liệu đồng của các tác giả ở Đông Nam Bộ từ năm 1986 đến năm 2020.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, tác giả đã sử dụng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Phương pháp phân tích mỹ thuật học là phương pháp chủ đạo để phân tích, đánh giá về giá trị nghệ thuật của các tác phẩm điêu khắc có thể hiện “Tính biểu cảm của chất liệu đồng trong điêu khắc ở Đông Nam Bộ từ năm 1986 đến năm 2020” để khẳng định giá trị thẩm mỹ và những ứng dụng trong cuộc sống, sáng tạo nghệ thuật.
Phương pháp thu thập tài liệu và xử lý thông tin là phương pháp truyền thống được sử dụng trong các nghiên cứu nói chung và nghiên cứu văn học - nghệ thuật nói riêng. Đây là phương pháp nghiên cứu lý luận gắn với thực tiễn, việc tiến hành thu thập những thông tin từ thực tế nhằm đảm bảo tính xác thực của vấn đề cần nghiên cứu đề tài.
Phương pháp điền dã là phương pháp phản ánh tính thực tiễn của đề tài. Phương pháp này giúp tác giả thu thập thêm tài liệu có liên quan đến đề tài, kiểm tra tính chính xác của thông tin. Qua đó, phương pháp điền dã còn giúp tác giả có cái nhìn chi tiết và thực tiễn hơn về đối tượng nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tính lịch sử của vùng đất Đông Nam Bộ được hình thành rất sớm và phát triển đến ngày nay, chất liệu đồng là một minh chứng cho quá trình hình thành đó. Tính biểu cảm là cảm xúc từ hình, khối, đường nét, bố cục của tác phẩm mà người xem chỉ cảm nhận bằng quan sát và cảm nhận chỉ mang tính ước lượng tư duy của mỗi người.
Một số phân tích cho thấy giá trị của chất liệu đồng khi áp dụng vào tác phẩm hoành tráng, trang trí hay triển lãm đều mang lại giá trị, hiệu quả tính biểu cảm của chất liệu... Giá trị biểu cảm của chất liệu đồng đã được khẳng định trong sáng tác, tuy tính biểu cảm mang tính cảm xúc nhưng không thể thiếu trong tác phẩm mà chất liệu thể hiện. Đông Nam Bộ là vùng kinh tế phát triển, chính vì thế nghệ thuật điêu khắc chất liệu đồng ngày phát triển, nâng giá trị tác phẩm lên tầng cao mới, nhiều công trình lịch sử mang tính giáo dục truyền thống yêu nước được xây dựng, tượng trang trí, tượng triển lãm phát triển đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng.
Qua phân tích nhận định một số tác phẩm ta cảm nhận được tính biểu cảm của chất liệu đồng, cùng với nhận định đó, qua tác phẩm thể nghiệm học viên muốn cảm nhận thật sự tính biểu cảm của chất liệu đồng thông qua xây dựng ý tưởng chất liệu, đi vào thực tiễn cuộc sống tìm hiểu thực tế cuộc sống để lấy ý tưởng sáng tác, từ đó phác thảo bố cục phù hợp chất liệu và thể hiện tác phẩm bằng quy trình sáng tác tác phẩm và thành phẩm của tác phẩm chất liệu đồng.
Chất liệu giữ vai trò quan trọng trong nghệ thuật điêu khắc, nếu không có chất liệu thích hợp thì tác phẩm điêu khắc khó tồn tại và kém phần hiệu quả về giá trị nghệ thuật. Đặc biệt là phương tiện chuyển tải ý tưởng, tình cảm của tác giả qua thể hiện tác phẩm. Theo đánh giá thực tế thì từ đất đến một tác phẩm hoàn chỉnh bằng chất liệu là một khoảng trống khá lớn, chất liệu đòi hỏi một kỹ thuật thể hiện rất công phu. Chất liệu nói chung và chất liệu đồng nói riêng hấp dẫn bởi nhiều yếu tố và có tính biểu cảm riêng, giúp cho tác phẩm thăng hoa và gây ấn tượng đối với người thưởng thức.
Đề tài tính biểu cảm của chất liệu đồng trong điêu khắc ở Đông Nam Bộ nói lên cảm nhận của tác giả nhìn một góc độ về chất liệu đồng thông qua các tác phẩm tiêu biểu ở Đông Nam Bộ. Tính biểu cảm của chất liệu đồng là tính đặc trưng tiêu biểu, được cảm thụ bằng quan sát cảm nhận mang tính chất cảm tính, nhưng rất đặc biệt về giá trị nghệ thuật trong điêu khắc.
Sự hòa hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và toàn cầu hóa đã đưa nghệ thuật điêu khắc của Đông Nam Bộ tiến xa hơn, góp phần đậm nét vào tiến trình phát triển chung của nền mỹ thuật Việt Nam.
Luận văn là công trình nghiên cứu chuyên sâu về “Tính biểu cảm của chất liệu đồng trong điêu khắc ở Đông Nam Bộ từ năm 1986 đến năm 2020” nhằm tìm ra những mặt mạnh, mặt còn hạn chế để ứng dụng và phát triển chuyên ngành điêu khắc Đông Nam Bộ nói riêng và điêu khắc Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, luận văn còn là tài liệu phục vụ cho nghiên cứu chuyên ngành và tài liệu tham khảo trong giảng dạy, học tập của chuyên ngành điêu khắc tại các cơ sở đào tạo văn hóa và mỹ thuật.
Nguồn tóm tắt LVLA “Tính biểu cảm của chất liệu đồng trong điêu khắc ở Đông Nam Bộ (Từ năm 1986 - 2020)” của tác giả Mai Ngọc Tuyền. Xem toàn văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ Bình Dương
Mai Ngọc Tuyền