Thực trạng và giải pháp đối với tăng, ni cư trú và hoạt động tôn giáo ngoài tự viện trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Giới thiệu sơ lược nội dung, lý do chọn đề tài
Quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về giáo đoàn trong Phật giáo có từ nhiều năm trước cũng như Nội quy, Quy chế Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện hành đều quy định: “tăng, ni không được cư trú và hoạt động tôn giáo tại các nơi không phải là cơ sở tôn giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam như: đình, đền, phủ, miếu, không được cư trú tại tư gia Phật tử. Trường hợp đặc biệt, tăng, ni cư trú ở ngoài cơ sở tự viện của Giáo hội phải có ý kiến của thầy bổn sư, y chỉ sư, Ban Trị sự huyện, Ban Trị sự tỉnh nơi thường trú và nơi tạm trú”.
Mặc dù thuộc trường hợp đặc biệt, nhưng ở tỉnh Bình Dương, tăng, ni cư trú ở ngoài cơ sở tự viện của Giáo hội lại tương đối phổ biến, làm cho việc quản lý của chính quyền các cấp cũng như việc quản lý của Giáo hội Phật giáo ở địa phương gặp nhiều trở ngại. Câu hỏi đặt ra là, vì sao những năm gần đây, có nhiều tăng, ni cư trú ngoài tự viện? Thực trạng này ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của Giáo hội các cấp và có tác động ra sao đối với tình hình mọi mặt ở địa phương? Từ thực tiễn những vấn đề nêu trên, cơ quan đặt hàng nhiệm vụ - Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo) nhận thấy cần thiết thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học để đánh giá đúng thực trạng từ đó xây dựng hệ thống những giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với tăng ni cư trú và hoạt động tôn giáo ngoài tự viện trên địa bàn tỉnh, bảo đảm cho hoạt động của Phật giáo diễn ra bình thường với phương châm “Tốt đời, đẹp đạo” và “Đồng hành cùng dân tộc”.
Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục tiêu của đề tài nhằm đánh giá thực trạng tăng, ni cư trú và hoạt động tôn giáo ngoài tự viện trên địa bàn tỉnh, từ đó đề xuất hệ thống giải pháp để quản lý tăng, ni cư trú và hoạt động tôn giáo ngoài tự viện. Một số nhiệm vụ của đề tài là: (1) Mô tả, tái hiện quá trình Phật giáo du nhập vào vùng đất Bình Dương và vai trò của Phật giáo đối với địa phương; (2) Tìm hiểu thực trạng tăng, ni cư trú và hoạt động tôn giáo ngoài tự viện; (3) Nhận diện sở hữu của tăng, ni cư trú ngoài tự viện; (4) Làm rõ thực trạng quản lý của chính quyền các cấp đối với hoạt động tôn giáo của tăng, ni cư trú ngoài tự viện; (5) Tìm hiểu thực trạng quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện về hoạt động tôn giáo của tăng, ni cư trú ngoài tự viện; (6) Phân tích xu hướng phát triển của các hoạt động Phật giáo ngoài tự viện ở Bình Dương; (7) Đề xuất một số giải pháp và đưa ra một số kiến nghị nhằm quản lý đối với tăng, ni cư trú, hoạt động tôn giáo ngoài tự viện.
Kết quả nghiên cứu
Đề tài do Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo) đặt hàng để trực tiếp phục vụ công tác chuyên môn, bên cạnh đó đề tài có sự quan tâm, tham gia nghiên cứu của đại diện các ngành, đơn vị liên quan như: Công An tỉnh (Phòng PC02), Sở Xây Dựng, Sở Tài Nguyên - Môi trường, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh tạo động lực, niềm tin để nhóm tác giả nghiên cứu thành công đề tài.
Về phương pháp luận nghiên cứu nhóm tác giả đứng trên quan điểm, lập trường chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Một số phương pháp cụ thể được sử dụng gồm: phương pháp lịch sử và logic; phương pháp nghiên cứu định lượng; nghiên cứu định tính; phương pháp xây dựng bản đồ; phương pháp phân tích và tổng hợp; phương pháp thống kê, so sánh và phương pháp nghiên cứu trường hợp.
Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát, điền dã tại 92 điểm với 115 tăng, ni cư trú ngoài tự viện ở 9/9 đơn vị hành chính cấp huyện; thực hiện 115 phiếu khảo sát đối với tăng, ni (100%). Đối với người dân khảo sát theo mẫu chỉ tiêu bao gồm 500 người dân đang sinh sống gần 92 điểm có tăng ni cư trú ngoài tự viện, sử dụng 483 bảng hỏi đảm bảo chất lượng để đưa vào phân tích; tổ chức một đợt tập huấn cho hơn 30 điều tra viên tham gia khảo sát; tổ chức 02 hội thảo khoa học; hoàn thành 34 báo cáo chuyên đề; thu thập dữ liệu tọa độ GPS, xây dựng bảng đồ điểm bao gồm 01 bản đồ toàn tỉnh và 09 bản đồ của 09 huyện, thị xã, thành phố; thu thập hình ảnh trực quan với hơn 500 bức ảnh; viết 03 bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành. Xây dựng hệ thống gồm 04 giải pháp chung, 34 giải pháp cụ thể cho 09 sở, ngành, chính quyền và Giáo hội Phật giáo. Đồng thời đưa ra 07 kiến nghị cụ thể để các cơ quan, tổ chức, các ngành, các cấp tham khảo và thực hiện.
Nhóm tác giả đã tìm kiếm, thu thập thông tin các điểm có tăng, ni cư trú ngoài tự viện trên địa bàn toàn tỉnh. Qua khảo sát, điền dã thu thập thông tin để phản ánh chân thực nhất về thực trạng tăng, ni thoát ly tăng chúng, tự viện, cư trú và hoạt động tôn giáo ngoài tự viện; phản ánh trung thực, khách quan thực tiễn quản lý của GHPG Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện đối với tăng, ni cư trú ngoài tự viện; sự quản lý của chính quyền địa phương. Nhóm tác giả xây dựng được hệ thống những giải pháp khả thi để giải quyết các vấn đề liên quan đến tăng, ni ngoài tự viện.
Mặc dù đạt được mục đích đặt ra, nhưng khi thực hiện nhóm nghiên cứu chưa hình dung hết những khó khăn, trở ngại trong quá trình điền dã, thu thập thông tin, trong đó nhiều tăng, ni cung cấp thông tin chưa chính xác; nhiều cán bộ chính quyền cơ sở, các ngành các cấp còn e ngại khi trả lời phỏng vấn, ngại đụng chạm những vấn đề tế nhị v.v. do vậy thông tin thu thập có những hạn chế nhất định./.
Lương Thy Cân