Chất lượng cuộc sống và các yếu tố liên quan của người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV tại phòng khám ngoại trú thuộc trung tâm y tế thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương năm 2021
Đây là nghiên cứu của tác giả Dương Thành Tín được thực hiện vào năm 2023 với mục tiêu xác định điểm trung bình chất lượng cuộc sống ở người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV tại TTYT thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương năm 2021 và các yếu tố liên quan.
Đặt vấn đề
HIV, loại vi rút gây ra bệnh đã trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng nhất về sức khỏe và sự phát triển trên thế giới kể từ khi các trường hợp đầu tiên được báo cáo vào năm 1981. Khoảng 76 triệu người đã bị nhiễm HIV kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Năm 2020, trên thế giới có khoảng 38 triệu người hiện đang sống với HIV và hàng chục triệu người đã chết vì các nguyên nhân liên quan đến AIDS kể từ khi bắt đầu đại dịch. Trong hai thập kỷ qua, các nỗ lực lớn trên toàn cầu đã được thực hiện để giải quyết dịch bệnh và đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Số người nhiễm mới HIV, đặc biệt là trẻ em và số người tử vong do AIDS đều giảm qua các năm, và số người nhiễm HIV được điều trị tăng lên 25,4 triệu người vào năm 2019.
Ngày nay, việc không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người đòi hỏi nỗ lực rất lớn của xã hội, của mỗi quốc gia và cả của cộng đồng quốc tế. Những người nhiễm HIV/AIDS thuộc mọi tầng lớp xã hội, có thể khác nhau về văn hóa, xã hội, khác nhau về giới tính nhưng đều được chăm sóc, chữa trị, vì vậy việc nâng cao chất lượng cuốc sống cho các đối tượng này là điều cần thiết.
Tổng kết báo cáo 6 tháng đầu năm 2022, Bình Dương hiện tại có 3 thành phố và 6 huyện thị với 8 cơ sở phòng khám điều trị ngoại trú (OPC) đang quản lí 4586 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS (bao gồm cả BN điều trị ARV và chưa điều trị ARV); riêng thị xã Bến Cát đang điều trị và quản lí 545 bệnh nhân HIV/AIDS và con số này đang không ngừng tăng lên hằng năm.
Với những vấn đề đặt ra ở trên cũng như mối quan tâm về chất lượng cuộc sống, tác giả Dương Thành Tín thực hiện nghiên cứu này nhằm mục đích xác định CLCS ở người nhiễm HIV đang điều trị ARV tại phòng khám ngoại trú OPC thuốc trung tâm Y tế thị xã Bến Cát và các yếu tố liên quan. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần bổ sung y văn và cung cấp bằng chứng cho đưa ra các chiến lược, biện pháp nhằm chăm sóc, cải thiện CLCS cho người nhiễm HIV , nâng cao hiệu quả điều trị tại phòng khám này cũng như các phòng khám khác ở tỉnh Bình Dương.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện trên các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV tại phòng khám ngoại trú thuộc TTYT thị xã Bến Cát trong thời gian từ tháng 5/2022 đến tháng 7/2022, tại phòng khám ngoại trú (OPC) TTYT thị xã Bến Cát.
Nghiên cứu này là nghiên cứu cắt ngang mô tả, kết hợp hồi cứu số liệu (hồ sơ điều trị/ mẫu được chọn thuận tiện từ các bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ARV tại TTYT thị xã Bến Cát và đến lãnh thuốc tại phòng khám, đáp ứng tiêu chuẩn chọn vào và tiêu chuẩn loại trừ.
Phương pháp phân tích số liệu sử dùng phần mềm epidata 3.1, phân tích số liệu dùng phần mềm stata 14.2. Sử dụng kiểm định t nhằm so sánh trung bình giữa biến số nhị giá với điểm số các lĩnh vực chất lượng cuộc sống có phân phối bình thường. Sử dụng kiểm định ANOVA với ngưỡng ý nghĩa khi p<0,05 để tìm mối liên quan giữa biến thứ tự, biến danh định với điểm số CLCS trung bình các lĩnh vực có phân phối bình thường và phương sai đồng nhất. Nếu giả định phương sai các nhóm bằng nhau không thỏa thì sử dụng kiểm định Kruskal Wallis để thay thế.
Kết quả nghiên cứu
Nghiên cứu thực hiện trên 221 đối tượng với các đặc điểm dân số học như sau: nhóm tuổi ≤35 tuổi chiếm đa số với 67%, đối tượng nghiên cứu chủ yếu là nam chiếm 76,5%, dân tộc kinh chiếm 96,8% và đa số là dân tạm trú (70,6), các đặc điểm này phù hợp với tình hình ở Bình Dương là một tỉnh thành công nghiệp, phát triển, dân nhập cư chiếm đa số.
Kết quả nghiên cứu ghi nhận nhóm tuổi phổ biến của bệnh nhân là từ dưới 35 tuổi và chiếm 67%. Có sự chênh lệch giới tính lớn khi tỉ lệ nam gấp hơn 3 lần nữ giới (76,5% so với 23,5%). Phần lớn đối tượng nghiên cứu là người dân tộc Kinh chiếm 96,8%. Hơn 70% bệnh nhân là người dân tạm trú trên địa bàn.
Nhóm học vấn dưới THPT chiếm tỉ lệ 46,2% và nhóm từ trên THPT chiếm tỉ lệ 53,8%. Tỉ lệ sống độc thân/ly dị/ly thân/góa chiếm phổ biến hơn so với kết hôn/sống chung như vợ chồng. Phần lớn có kinh tế tự chủ chiếm 90,9%. Khoảng 30,8% bệnh nhân hiện đang sống một mình. Có 76,5% bệnh nhân cho biết về tình hình nhiễm bệnh của mình trong đó tiết lộ cho gia đình biết chiếm tỷ lệ cao nhất là 87,6%. Khoảng 30,8% bệnh nhân hiện đang sống một mình và 26,7% bệnh nhân đang có sử dụng chất gây nghiện.
Đường lây phổ biến nhất ghi nhận ở bệnh nhân là qua quan hệ tình dục chiếm 61,5%. Tỉ lệ không rõ đường lây khá cao chiếm 32,6%. Nhiều bệnh nhân có thời gian mắc bệnh từ dưới 5 năm chiếm 63,3%. Tỉ lệ bệnh nhân có số lượng tế bào CD4 ≥350 tế bào/mm3 lúc bắt đầu điều trị chiếm 54,3% và con số này tăng lên 89,2% ở lần xét nghiệm tế bào CD4 gần nhất.
Số bệnh nhân có tải lượng virus dưới ngưỡng (<200 bản sao/ml máu) chiếm tỷ lệ cao nhất với 97,7%. Trong tất cả các mẫu được đưa vào nghiên cứu thì tỷ lệ người không có bệnh kèm theo chiếm 80,5% và chỉ có 19,5% là bệnh nhân đang điều trị ARV phải điều trị thêm các bệnh như viêm gan, lao phổi…
Có 93,2% bệnh nhân là tuân thủ điều trị (không quên uống thuốc, uống thuốc đúng giờ và tái khám đúng hẹn) và chỉ có 6,8% bệnh nhân không tuân thủ điều trị
Điểm trung bình chất lượng cuộc sống chung được đánh giá theo thang đo WHOQOL-HIV BREF là 14,76 ± 1,76 trong đó lĩnh vực sức khỏe thể chất có điểm cao nhất là 15,84±2,2; mối quan hệ xã hội có điểm thấp nhất là 13,28 ± 2,28; sức khỏe tinh thần là 14,88 ± 2,12; mức độ độc lập là 15,68 ± 2,16; môi trường sống là 14,20 ± 2,00; niềm tin cá nhân là 15,24 ± 2,88.
Không có mối liên quan giữa tình trạng nhiễm bệnh và CLCS chung
Kết luận
Điểm trung bình chất lượng cuộc sống chung được đánh giá theo thang đo WHOQOL-HIV BREF là 14,76 ± 1,76, kết quả này là không cao trong đó lĩnh vực sức khỏe thể chất có điểm cao nhất là 15,84±2,2; mối quan hệ xã hội có điểm thấp nhất là 13,28 ± 2,28; sức khỏe tinh thần là 14,88 ± 2,12; mức độ độc lập là 15,68 ± 2,16; môi trường sống là 14,20 ± 2,00; niềm tin cá nhân là 15,24 ± 2,88. Những người kết hôn, sống chung, dân thường trú, cho người khác biết về tình trạng nhiễm và không sử dụng chất gây nghiện có điểm số CLCS cao hơn.
Kiến nghị
Qua kết quả nghiên cứu cho thấy điểm số CLCS ở lĩnh vực mối quan hệ xã hội là thấp nhất. Các cơ quan chức năng cần chú trọng xây dựng và nhân rộng những câu lạc bộ, đội nhóm, cộng đồng người nhiễm HIV, để bản thân người nhiễm HIV có thể chia sẻ động viên tinh thần và giúp đỡ lẫn nhau, phần nào giúp họ cải thiện CLCS.
Các nhân viên y tế khuyến khích những người nhiễm HIV tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía gia đình
Nguồn tóm tắt LVLA “Chất lượng cuộc sống và các yếu tố liên quan của người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV tại phòng khám ngoại trú thuộc trung tâm y tế thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương năm 2021” của tác giả Dương Thành Tín. Xem toàn văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ Bình Dương
Dương Thành Tín