Cái tôi hoài niệm, suy tư trong sáng tác của Nguyễn Tuân trước 1945 từ góc nhìn tự sự học
Nguyễn Tuân (1910-1987 là nhà văn có vị trí đặc biệt quan trọng đối với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX. Ông đã đóng góp lớn cho nền văn học dân tộc bởi những thành tựu về số lượng và chất lượng tác phẩm cũng như phong cách sáng tác độc đáo. Đặc biệt, sáng tác của Nguyễn Tuân trước 1945 luôn mang đến cho người đọc những tầng ý nghĩa mới và phong phú, các vấn đề mang tính thời đại luôn chứa đựng trong tác phẩm tạo nhiều hướng suy nghĩ, đánh giá khác nhau. Nghiên cứu tác phẩm Nguyễn Tuân trước 1945 và khai thác cái Tôi hoài niệm của nhà văn từ góc nhìn tự sự học là một trong những hướng tiếp cận thú vị, có thể giải đáp được những vấn đề còn bỏ ngõ ở các công trình nghiên cứu đi trước chưa hoàn thiện.
Trong chương trình giáo dục 2018, môn Ngữ văn đang tiến hành giảng dạy hướng tiếp cận tác phẩm tự sự theo đặc trưng thể loại. Tuy không phải là phương pháp tiếp nhận văn học mới trong lĩnh vực nghiên cứu, phê bình văn học, nhưng đối với học sinh THPT, tìm hiểu tác phẩm văn học từ các phương diện tự sự học còn khá xa lạ. Tác phẩm của Nguyễn Tuân luôn được chọn giảng dạy trong trường Phổ thông, vì vậy, nghiên cứu sâu về tác phẩm trước 1945 của Nguyễn Tuân từ góc nhìn tự sự học là việc cần thiết đối với công tác giảng dạy văn học trong nhà trường.
Thực tế nghiên cứu cho thấy, có nhiều đánh giá về Nguyễn Tuân chưa thật sự xác đáng, luận văn sẽ lý giải thêm vì sao tác phẩm của Nguyễn Tuân lại có sức sống bền bỉ như vậy. Vì sao di sản văn học nhà văn để lại cho dân tộc được xếp vào hàng tuyệt tác. Hơn nữa, có những nhìn nhận đầy đủ về những đóng góp lớn của một nhà văn lãng mạn nhạy bén tiếp thu cái mới của Phương Tây nhưng vẫn giữ được những giá trị đáng quý trong mạch nguồn truyền thống văn hóa của dân tộc.
Hơn nữa, cái Tôi cá nhân của nhà văn trước 1945 vẫn có những cách đánh giá khác nhau, vì vậy, cần phải có những kiến giải thêm. Đặc biệt là, việc tiếp cận tác phẩm trước 1945 của Nguyễn Tuân từ góc nhìn tự sự học chưa có công trình nào đem đến một sự đánh giá khách quan và toàn diện. Đây cũng là một trong những một hướng đi hợp lí nhưng cũng chứa đầy thử thách đối với người nghiên cứu. Để làm được điều này, cần phải đưa ra những phương pháp nghiên cụ thể và có cái nhìn, thái độ đánh giá đúng về Nguyễn Tuân cũng như các sáng tác của ông trước 1945 khi tiếp cận tác phẩm.
Từ những thực trạng và lý do nêu trên, luận văn đã tiến hành những giải pháp cụ thể nhằm nghiên cứu một cách sâu sắc và diện tác phẩm của Nguyễn Tuân trước 1945, dưới đây là một số giải pháp và phương pháp:
Tìm hiểu những yếu tố lịch sử, văn hóa, xã hội, gia đình, bởi đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cách nhìn và tư tưởng, quan điểm thẩm mĩ của nhà văn.
Tìm hiểu kỹ các sáng tác của Nguyễn Tuân ở cả hai giai đoạn trước 1945 và một số tác phẩm sau 1945 để có cái nhìn tổng thể về phong cách sáng tác, quan niệm về nghệ thuật, quan niệm sống của nhà văn..
Ngoài ra, luận văn được phối hợp nhiều phương pháp nghiên cứu phê bình văn học khác nhau như: Phương pháp tiếp cận tự sự học, phương pháp lịch sử xã hội, phương pháp nghiên cứu tiểu sử, phương pháp so sánh đối chiếu, phương pháp thi pháp học.
Các vấn đề khái quát được dùng làm cơ sở lý luận để đi sâu nghiên cứu tác phẩm của Nguyễn Tuân trước 1945 từ góc nhìn tự sự học như: Cái Tôi và cảm hứng hoài niệm; Những vấn đề về lý thuyết tự sự học ở các phương diện: Người kể chuyện, kết cấu, cốt truyện, ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật; Về nhà văn Nguyễn Tuân được nghiên cứu ở một số đặc điểm: Vị trí trụ cột của ông đối với khuynh hướng văn học lãng mạn Việt Nam. Tính tự truyện trong các sáng tác của nhà văn trong giai đoạn văn học 1932 - 1945. Đây là định hướng để triển khai những luận điểm, luận cứ nhằm làm sáng rõ hai nội dung trọng tâm trong luận văn.
Nội dung thứ nhất, “Cái tôi hoài niệm, suy tư trong sáng tác trong sáng tác của Nguyễn Tuân trước 1945 từ phương diện người kể chuyện”. Để triển khai vấn đề này, luận văn tập trung nghiên cứu về người kể chuyện đã thể hiện các trạng thái, cảm xúc khác nhau thông qua cái tôi hoài niệm, suy tư trong sáng tác của nhà văn trước 1945, từ đó thấy được giá trị mới của tác phẩm và cách lựa chọn lẽ sống của ông.
Nội dung thứ hai, “Cái Tôi hoài niệm, suy trong sáng tác trong sáng tác của nguyễn tuân trước 1945 từ phương diện cốt truyện, kết cấu, ngôn ngữ và giọng điệu”. Luận văn đã khai thác các yếu tố cốt truyện, kết cấu, ngôn ngữ và giọng điệu để làm rõ đặc điểm: Mỗi thể loại, khuynh hướng văn học mang những đặc trưng riêng và đó cũng là những yếu tố tạo nên phong cách, dấu ấn cá nhân nhà văn. Từ đó, thấy được sự độc đáo và tính tích cực trong tác phẩm của ông trước 1945, trách nhiệm của nhà văn đối với cuộc đời qua cái tôi hoài niệm, suy tư.
Như vậy, việc áp dụng và phối hợp các giải pháp, phương pháp nghiên cứu một cách thống nhất và toàn diện trong quá trình thực hiện luận văn. Chúng tôi tin rằng, luận văn đã mang đến nhiều giá trị về mặt thực tiễn và khoa học: Góp phần bổ sung vào sự đa dạng của các tài liệu nghiên cứu về nghệ thuật tự sự, đồng thời góp phần tích cực vào việc việc giảng dạy và học tập văn học nói chung và tác phẩm của Nguyễn Tuân nói riêng trong nhà trường. Đọc văn của Nguyễn Tuân cũng là một trong những cách tìm hiểu thấu đáo về di sản văn hóa của dân tộc, trên cơ sở đó người đọc sẽ biết trân trọng, gìn giữ và yêu hơn đối với cái đẹp. Công trình sau khi hoàn thành sẽ là một trong những tài liệu tham khảo đáng tin cậy về mặt khoa học cho việc nghiên cứu về các sáng tác của Nguyễn Tuân trước 1945. Tìm hiểu sâu hơn những giá trị trong sáng tác của Nguyễn Tuân với cái nhìn đa chiều trong luận văn đã có những đánh giá hợp lý hơn, nhất là các vấn đề gắn với những đánh giá còn có sự khác biệt, có thể mang đến một cái nhìn chưa thỏa đáng về Nguyễn Tuân cũng như tác phẩm của ông.
Nguồn tóm tắt LVLA “Cái tôi hoài niệm, suy tư trong sáng tác của Nguyễn Tuân trước 1945 từ góc nhìn tự sự học” của tác giả Lê Thị Tâm. Xem toàn văn tại Trung tâm Thông tin và Thống Kê Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương
Lê Thị Tâm