Giải pháp tăng cường quản lý công tác thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Nghiên cứu nhằm phân tích thực trạng công tác quản lý thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương; phân tích, đánh giá thành tựu, hạn chế trong công tác quản lý thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội, từ đó đề xuất một số giải pháp tăng cường quản lý công tác thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Kết quả cho thấy Công tác thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương từng bước đã tạo được sự đồng thuận từ người dân, nhất là người dân trong vùng quy hoạch dự án sớm giao đất thực hiện công trình, dự án. Tuy nhiên, một số dự án thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng hiện nay vẫn còn diễn ra chậm, kéo dài, người dân khiếu nại tập thể, đông người do đó ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án trên địa bàn.
Mở đầu
Việc thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội có vai trò, ý nghĩa và là vấn đề quan trọng rất lớn đối với tất cả địa phương. Nhất là trong thời điểm hiện nay khi chúng ta đang tập trung đẩy mạnh sự phát triển và tập trung các hoạt động để hội nhập nhanh kinh tế quốc tế, thu hồi đất để phục vụ cho các mục đích này sẽ dẫn tới việc sẽ có nhiều hộ gia đình, cá nhân, tổ chức đang sử dụng, khai thác đất sẽ không tiếp tục được nữa và sẽ bị chấm dứt, do đó, quyền lợi mà các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức đang được hưởng trên đất đó cũng sẽ không tiếp tục được nữa và sẽ bị chấm dứt. Vì vậy, vấn đề trên là vấn đề hết sức nhạy cảm, dễ phát sinh nhiều tình huống phức tạp và đòi hỏi Nhà nước với vai trò là chủ sở hữu đại diện, mà trực tiếp là chính quyền tại địa phương có đất bị thu hồi cần hết sức cẩn thận, tập trung, cầu thị và tính toán thật kỹ để có những quyết định, chính sác đúng đắn, hài hòa, phù hợp lợi ích các bên. Trong thực tiễn, việc thu hồi đất còn có lúc, có nơi chưa đảm bảo sự công bằng, hiệu quả; các dự án bị kéo dài, không triển khai được do nhiều lý do khác nhau; số vụ khiếu nại, khiếu kiện, phản ánh, kiến nghị liên quan vấn đề đất đai ngày càng có chiều hướng gia tăng. Do vậy, để công tác quản lý thu hồi đất đảm bảo hiệu quả, đạt được các mục tiêu nhằm phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời các quyền lợi của người dân trong công tác thu hồi đất trong các dự án vì mục đích kinh tế, xã hội được bảo vệ, nhằm giảm các vấn đề bức xúc trong xã hội, hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện tập trung đông người, kéo dài thì cần có những giải pháp thực hiện như thế nào, cần điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách như thế nào để đạt được mục tiêu trên? Đây chính là vấn đề mà hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước rất quan tâm trong lĩnh vực thu hồi đất, để các vấn đề được giải quyết triệt để, thuyết phục nhất.
Tóm tắt kết quả nghiên cứu
Về thực trạng và các khó khăn, vướng mắc của thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội
Một số dự án thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng hiện nay vẫn còn diễn ra chậm, kéo dài, người dân khiếu nại tập thể, đông người, nguyên nhân chính là do việc thay đổi chính sách cùng với việc thiếu sự vận dụng cụ thể, linh hoạt tại các dự án áp dụng mức bồi thường khác nhau do sự thay đổi chính sách đã dẫn tới sự so bì và khiếu kiện kéo dài của người thu hồi đất; Thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, đơn vị; công tác thuyết phục, tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu rõ chưa đảm bảo; Thiếu cương quyết, không giải quyết dứt điểm, làm cho việc giải phóng mặt bằng bị dây dưa kéo dài nhiều năm. Công tác bố trí tái định cư còn gặp nhiều khó khăn do địa phương không có quỹ đất bố trí tái định cư; số lượng suất tái định cư không đủ; hầu hết các khu tái định cư được xây dựng ở các vị trí không thuận lợi, xa trung tâm, chưa tạo điều kiện thuận lợi để người dân sau tái định cư được ổn định cuộc sống.
Các giải pháp đề xuất
Trên cơ sở đó, đã nghiên cứu đề ra các giải pháp như: cần xác định rõ ràng cụ thể về thẩm quyền thu hồi đất đối với từng loại đất, từng đối tuợng sử dụng đất để tránh sự chống chéo, mâu thuẫn trong thẩm quyền thu hồi đất như thơi gian qua đối với các loại đất an ninh, quốc phòng, đất trụ sở làm việc, đất tôn giáo,…; Cần minh bạch thủ tục, trình tự thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất, minh bạch quy trình thu hồi đất không chỉ là việc công khai thủ tục, quy trình mà còn là cho phép người dân tham gia trao đổi, bàn bạc ngay từ đầu đối với các dự án thu hồi đất; Xây dựng chi tiết khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; Đặc biệt là phải thường xuyên cập nhật những thông tin mới về thị trường đất đai để làm cơ sở lập phương án bồi thường được sát giá thị trường giảm thiệt hại cho người dân hơn. Về khung giá đất cần điều chỉnh sao cho phù hợp giá đất ở từng vị trí của khu vực, giảm bớt sự chênh lệch giữa giá đền bù theo quyết định và giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường sao cho hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan - Đây là giải pháp quan trọng và cần quan tâm, tập trung thực hiện vì hiện nay đa phần những trường hợp người sử dụng đất không chấp hành việc thu hồi đất là do đơn giá bồi thường chưa thỏa đáng, chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân khi vẫn còn có sự chênh lệch lớn giữa giá trị trên thị trường và giá bồi thường thực tế; cần xây dựng đồng bộ các khu tái định cư trước khi di dời chỗ ở của người dân, công tác bố trí tái định cư phải thực hiện nhanh chóng và dứt điểm để người dân nhận tiền đền bù thỏa đáng, xây dựng nhà và di dời đến nơi ở mới, đảm bảo cho người dân ổn định cuộc sống, an tâm đầu tư và không còn tình trạng cơ nhỡ do mất nơi cư trú sau thời gian dài, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý công tác thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian sắp tới.
Kết luận
Nghiên cứu đã tập trung nghiên cứu nội dung các quy định, cơ chế và thực tiễn thu hồi đất; Phân tích thực trạng về các chính sách thu hồi đất; Những vấn đề đang tồn tại hoặc phát sinh trong quá trình thực hiện thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội trong thực tế ở tỉnh Bình Dương trong thời gian qua, kết quả cho thấy trên cơ sở các quy định của pháp luật theo từng thời điểm, tỉnh Bình Dương đã chủ động vận dụng các quy định, chính sách để thực hiện công tác thu hồi đất, từng bước đã tạo được sự đồng thuận từ người dân. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số vấn đề như thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, đơn vị; công tác thuyết phục, tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu rõ chưa đảm bảo; Công tác bố trí tái định cư còn gặp nhiều khó khăn do địa phương không có quỹ đất bố trí tái định cư; số lượng suất tái định cư không đủ. Để cải thiện hiệu quả của công tác nêu trên, cần tiếp tục nghiên cứu, kịp thời đề xuất thay đổi, bổ sung các quy định pháp luật, áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn và vận dụng các chính sách hỗ trợ phù hợp hơn với tình hình thực tế để đảm bảo được đời sống vủa người dân sau khi bị thu hồi đất./.
Nguồn tóm tắt LVLA “Giải pháp tăng cường quản lý công tác thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương” của tác giả Nguyễn Phúc Hậu. Xem toàn văn tại Trung tâm Thông tin và Thống Kê Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương
Nguyễn Phúc Hậu