Phát triển đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu xây dựng trường Chính trị tỉnh Bình Dương đạt chuẩn mức độ 1
Tóm tắt: Đội ngũ giảng viên các Trường Chính trị nói chung, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương nói riêng giữ vai trò quan trọng, mang tính quyết định đến kết quả đào tạo, bồi dưỡng của nhà Trường. Trong những năm qua, việc phát triển đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Dương đã có nhiều đổi mới đáng kể. Đội ngũ giảng viên nhà Trường đã tăng cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được thì việc phát triển đội ngũ giảng viên của nhà Trường còn bộc lộ nhiều vấn đề cần khắc phục.
Do đó, Th.S Nguyễn Văn Hân, Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở - Trường Chính trị tỉnh Bình Dương thực hiện nghiên cứu đề tài “Giải pháp hoàn thiện và nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn cho giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Dương đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay” nhằm làm rõ thực trạng phát triển đội ngũ giảng viên và đề xuất những giải pháp phát triển đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Dương trong giai đoạn hiện nay.
Quan niệm về giảng viên; điều kiện, tiêu chuẩn của giảng viên Trường Chính trị tỉnh
Điều kiện, tiêu chuẩn chung của giảng viên Trường Chính trị tỉnh: Có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần yêu nước, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Có trình độ lý luận chính trị theo quy định; có trình độ đại học (hệ chính quy) trở lên, về khoa học chính trị, khoa học hành chính hoặc khoa học xã hội và nhân văn; Có thái độ trung thực, khiêm tốn, giản dị; tâm huyết với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng và Nhà nước; Có năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học; Có đủ sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ; Lý lịch bản thân rõ ràng.
Thực trạng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Dương hiện nay
Tính đến hết ngày 31/12/2023, Trường Chính trị tỉnh Bình Dương có 26 giảng viên trên tổng 40 cán bộ, viên chức (chiếm tỷ lệ 65%). Về tuổi đời: trên 50 tuổi 01 đồng chí; từ 40 tuổi đến 50 tuổi 15 đồng chí, dưới 40 tuổi 10 đồng chí; độ tuổi bình quân của giảng viên nhà Trường là 42,5 tuổi. Về trình độ: có 01 tiến sĩ (chiếm tỷ lệ 3,8%), 22 thạc sĩ (chiếm tỷ lệ 84,6%) và 03 cử nhân (chiếm tỷ lệ 11,6%); hiện nay Trường có 06 giảng viên đang theo học nghiên cứu sinh và 03 giảng viên đang theo học cao học. Về lý luận chính trị: có 17/26 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận chính trị (chiếm tỷ lệ 65,38%), có 01 đồng chí có trình độ trung cấp lý luận chính trị và vẫn còn 08 đồng chí chưa có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Có 15/26 giảng viên giữ ngạch giảng viên chính hoặc tương đương trở lên (chiếm tỷ lệ 56,7%). 22/26 giảng viên nhà Trường đã có Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hiện tại giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy là 20 trên tổng số 26 giảng viên cơ hữu của nhà Trường, chiếm tỷ lệ 76,92%. Trong đó, có 12 nam, chiếm tỷ lệ 60%; 8 nữ, chiếm tỷ lệ 40%. Trong đội ngũ, có 15 giảng viên giữ ngạch giảng viên chính hoặc tương đương trở lên. Độ tuổi của đội ngũ giảng viên nhà Trường hiện nay tương đối trải đều theo từng năm, không tập trung vào một nhóm tuổi nhất định. Độ tuổi từ 50 đến 60 có 01 giảng viên; từ 40 – 50 có 15 giảng viên; từ 30 – 40 có 10 giảng viên. Độ tuổi 40 – 50 chiếm số lượng lớn, đây là độ tuổi có kinh nghiệm giảng dạy và thực tiễn phong phú, chính điều đó đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà Trường trong những năm vừa qua.
Những ưu điểm, hạn chế của đội ngũ giảng viên Trương Chính trị tỉnh Bình Dương hiện nay
- Ưu điểm.
+ Về tư tưởng chính trị.
Đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Bình Dương có phẩm chất tư tưởng, lập trường chính trị vững vàng, là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng, tuyệt đối tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn.
+ Về lối sống và đạo đức nghề nghiệp.
Phần đông giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Bình Dương có đạo đức, lối sống chuẩn mực, thể hiện qua lối sống giản dị, trong sáng, cầu thị, gần gũi hỗ trợ với học viên và đồng nghiệp, mọi người luôn thực hành tiết kiệm, đấu tranh chống tham ô, quan liêu, tham nhũng và những biểu hiện tiêu cực khác; tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ, ít có biểu hiện, hành vi tiêu cực trong giảng dạy và quan hệ với học viên.
+ Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị.
Đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Bình Dương hiện nay được tuyển chọn, đào tạo từ nhiều cơ sở, trong đó có nhiều giảng viên được đào tạo tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức lý luận chính trị chuyên sâu. Nhiều giảng viên có thâm niên công tác, kinh nghiệm giảng dạy lý luận chính trị, tâm huyết với nghề và có phương pháp giảng dạy tích cực, hấp dẫn, lôi cuốn người học.
+ Về năng lực sư phạm.
Phần lớn giảng viên nhà Trường có năng lực giảng dạy tốt, biết cách truyền đạt những nội dung bài giảng dễ hiểu, dễ nhớ, phát triển được năng lực người học. Đến nay, 100% giảng viên đã có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hoặc chứng chỉ phương pháp dạy học tích cực hoặc đã có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm.
+ Về trình độ tin học, ngoại ngữ.
100% giảng viên nhà Trường đã đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ tin học theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 13/01/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về trình độ tin học và trình độ ngoại ngữ theo Thông tư số 01/2014/TT- BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam.
- Hạn chế.
+ 100% giảng viên giảng dạy lý luận chính trị phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị hoặc tương đương trở lên, Trường đạt 69,23% (18/26 giảng viên); còn 8 giảng viên chưa có trình độ trung cấp lý luận chính trị, chiếm tỷ lệ 30,77%.
+ 100% giảng viên sau 7 năm giảng dạy tại Trường có trình độ cao cấp lý luận chính trị hoặc tương đương, Trường đạt 77,27% (17/22 giảng viên); còn 5 giảng viên sau 7 năm giảng dạy tại Trường chưa có trình độ cao cấp lý luận chính trị, chiếm tỷ lệ 22,73%.
+ Ít nhất 60% giảng viên giữ ngạch giảng viên chính hoặc tương đương trở lên; Trường mới đạt 57,70% (15/26 giảng viên); còn 11 giảng viên chưa giữ ngạch giảng viên chính hoặc tương đương trở lên, chiếm tỷ lệ 42,30%.
Một số giải pháp hoàn thiện và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Dương trong thời gian tới
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa trình độ cho đội ngũ giảng viên.
Tập trung đào tạo hoặc gửi đi đào tạo ở các nước, các Học viện, các Trường Đại học chất lượng cao trong nước để có một đội ngũ giảng viên có trình độ, khả năng chuyên môn cao. Chú trọng đào tạo đội ngũ giảng viên của nhà Trường theo hướng giỏi về chuyên môn, vững vàng về bản lĩnh chính trị. Đào tạo chuẩn hóa các chức danh trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các khoa, phòng và các chức danh nghề trong ngạch giảng viên.
- Hoàn thiện quy trình tuyển chọn giảng viên.
Xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm thu hút những người có trình độ sau đại học về Trường công tác. Để làm được điều này, trong thời gian tới, nhà Trường cần chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy Bình Dương ban hành chế độ chính sách để thu hút đội ngũ giảng viên.
- Đổi mới công tác nhận xét, đánh giá giảng viên.
Việc nhận xét, đánh giá đội ngũ giảng viên cần căn cứ vào hiệu quả của sự lao động cống hiến trong kinh tế thị trường, phù hợp với quá trình hình thành và phát triển thị trường lao động. Trong nhận xét, đánh giá phải đúng người, đúng việc, đúng vị trí, đúng sở trường nhằm phát huy mọi khả năng của từng giảng viên. Có biện pháp xử lý kiên quyết đối với những giảng viên làm việc cầm chừng hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.
- Chuẩn bị đội ngũ kế cận sau này.
Trường Chính trị Bình Dương cần đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ giảng viên đến năm 2025 là: độ tuổi giảng viên có cơ cấu 4 độ tuổi, đảm bảo sự kế thừa liên tục, dưới 40 tuổi chiếm 15%, từ 40 - 50 tuổi chiếm 35 - 40%, từ 50 - 60 tuổi chiếm 35 - 40%, trên 60 tuổi chiếm 5 - 10%. Đến năm 2030, giảng viên chiếm tỷ lệ tối thiểu 65%, tối thiểu 70% trở lên giảng viên được chuẩn hóa, có trình độ chuyên môn phù hợp với chức danh, vị trí việc làm, thành thạo phương pháp nghiên cứu khoa học và phương pháp dạy học hiện đại. Hiệu trưởng có trình độ tiến sĩ, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn và các trưởng khoa có trình độ thạc sĩ trở lên. Mỗi cấp lãnh đạo phải có nhiều ứng viên và mỗi ứng viên có thể hướng tới đảm nhận nhiều trọng trách khác nhau.
Kết luận
Vai trò của người thầy dù ở thời đại nào, môi trường nào cũng quan trọng, đặc biệt với đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh lại càng phải nhận thức rõ được trọng trách cao cả của mình. Thực tế cho thấy, để thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất thiết phải nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh. Chính vì vậy, xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng là mục tiêu của Trường Chính trị tỉnh Bình Dương, đồng thời cũng là một tiêu chí hướng đến xây dựng Trường Chính trị tỉnh Bình Dương đạt chuẩn trong giai đoạn sắp tới.
Nguồn tóm tắt BC KQNC “Giải pháp hoàn thiện và nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn cho giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Dương đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay” của Ths. Nguyễn Văn Hân. Xem toàn văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ Bình Dương.
Nguyễn Văn Hân