Khảo sát việc sử dụng thuốc và hiệu quả điều trị ở người bệnh Covid-19 mức độ trung bình-nặng tại khu điều trị Covid-19 huyện Phú Giáo
Đại dịch COVID-19 gây ra một gánh nặng nghiêm trọng với y tế toàn cầu. Luận văn của tác giả Đỗ Thu Hiền thực hiện vào năm 2023 nhằm mục tiêu khảo sát việc sử dụng thuốc và kết quả điều trị ở người bệnh COVID-19 mức độ trung bình - nặng tại khu điều trị COVID-19 huyện Phú Giáo.
Thực trạng
COVID-19 gây ra tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu. Mặc dù Bộ Y tế đưa ra các hướng dẫn sử dụng thuốc trên người bệnh COVID-19 tuy nhiên việc sử dụng thuốc trên người bệnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Khu điều trị COVID-19 huyện Phú Giáo thuộc tầng 2 trong tháp điều trị 3 tầng của tỉnh Bình Dương. Do đó chúng tôi tiến hành “Khảo sát việc sử dụng thuốc và hiệu quả điều trị ở người bệnh COVID-19 mức độ trung bình-nặng tại khu điều trị COVID-19 huyện Phú Giáo”
Mục tiêu
- Khảo sát đặc điểm người bệnh COVID-19 mức độ trung bình, nặng tại khu điều trị COVID-19 huyện Phú Giáo
- Khảo sát việc sử dụng thuốc trên người bệnh và tính hợp lý của thuốc.
- Khảo sát kết quả điều trị và xác định các yếu tố có liên quan đến kết quả điều trị.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu thực hiện trên nhóm đối tượng là người bệnh nội trú tại khu điều trị COVID-19 huyện Phú Giáo được phân loại mức độ trung bình, nặng theo tiêu chuẩn của quyết định 250/QĐ-BYT ngày 28/1/2022 quyết định 4689/QĐ-BYT ngày 6/10/2021 theo từng giai đoạn.
Tiêu chuẩn chọn mẫu là người bệnh được chẩn đoán xác định dương tính với SAR-CoV-2 đủ 18 tuổi trở lên, mức độ bệnh trung bình hoặc nặng và nhập viện tại khu điều trị COVID-19 huyện Phú Giáo từ ngày 6/10/2021 đến ngày 31/5/2022.
Tiêu chuẩn loại trừ bao gồm người bệnh mất theo dõi, chuyển viện trốn viện mà không vì lý do y tế, nhập viện và chuyển viện trong vòng 24 giờ, sử dụng corticosteroid cho bệnh lý khác ngoài COVID-19 và người bệnh có thai hoặc cho con bú.
Thiết kế nghiên cứu là nghiên cứu cắt ngang mô tả. Phương pháp phân tích số liệu sử dụng phần mềm SPSS 26 và sử dụng phép kiểm Mann-Whitney, Kruskal-Wallis, so sánh phương sai ANOVA, t-test, phép kiểm chi bình phương hoặc Fisher's exact, phương trình hồi quy logistic đơn biến. Có ý nghĩa thống kê p < 0,05
Nội dung nghiên cứu
- Khảo sát đặc điểm người bệnh bao gồm: Tuổi, giới tính, cân nặng, chiều cao, BMI, tình trạng tiêm chủng, bệnh lý mắc kèm, ngày nhiễm COVID-19 khi nhập viện, phân loại khi nhập viện, chức năng gan, thận, hemoglobin, số lượng bạch cầu, tiểu cầu, neutrophil%, X-quang phổi (nếu có), liệu pháp oxy (cao nhất) trong quá trình nằm viện.
- Khảo sát việc sử dụng các thuốc kháng đông, corticosteroid, kháng sinh, kháng virus và tính hợp lý của từng thuốc. Cơ sở để xác định tính hợp lý là Hướng dẫn điều trị COVID-19 của Bộ Y tế: Với người bệnh có thời gian nhập viện và điều trị từ 06/10/2021 đến 27/01/2022 căn cứ theo quyết định 4689/QĐ-BYT ngày 6/10/2021; Với người bệnh có thời gian nhập viện và điều trị từ 28/01/2022 đến 31/05/2022 căn cứ theo quyết định 250/QĐ-BYT ngày 28/1/2022.
Tiêu chí đánh giá sử dụng kháng đông, corticosteroid, kháng sinh, kháng virus hợp lý:
Hợp lý chỉ định kháng đông, corticosteroid, kháng sinh, kháng virus khi thỏa tất các các tiêu chí sau:
- Người bệnh không có chống chỉ định thuốc.
- Và được sử dụng thuốc theo quyết định 4689/QĐ-BYT, hoặc Quyết định 250/QĐ-BYT.
Không hợp lý khi thuộc trong các trường hợp sau:
- Người bệnh trung bình, nặng không có chống chỉ định nhưng không được sử dụng thuốc
- Người bệnh có chỉ định thuốc ngoài hướng dẫn điều trị Bộ Y tế.
Liều dùng, khoảng cách liều dùng: Hợp lý là tuân theo hướng dẫn điều trị Bộ Y tế hoặc theo tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.
Hợp lý chung là khi thoả mãn tất cả các tiêu chí hợp lý về chỉ định, liều dùng, khoảng cách liều dùng. Không hợp lý: Có ít nhất 1 tiêu chí không đạt
Kết quả nghiên cứu
Đặc điểm người bệnh COVID-19 mức độ trung bình-nặng
Tuổi trung bình là 61,4 ± 18,6. Nữ chiếm 60,6%, 15,9% người bệnh có BMI >25 kg/m2 , 75% người bệnh có bệnh mắc kèm, phổ biến nhất là tăng huyết áp (53,2%), đái tháo đường (28%), 82,3% người bệnh được tiêm ít nhất 1 mũi vaccin, 31,8% người bệnh nhập viện ở mức độ nặng, 80,3% người bệnh có sử dụng oxy trong quá trình điều trị.
Đặc điểm cận lâm sàng khi nhập viện: Creatinin trung vị 86,1 (71,2-104,8) µmol/L, 49,2% người bệnh có ClCr<60mL/phút, Hgb trung vị 12,6 (11,8-13,9) g/dL, 24,3% người bệnh có WBC > 10 x103mm3, 31,7% người bệnh có tổn thương phổi trên 50%.
Đặc điểm sử dụng và tính hợp lý của thuốc trên người bệnh
Tỷ lệ người bệnh có chỉ định thuốc kháng đông là 98,5%, thời gian sử dụng trung vị 10(7,3-14) ngày, trong đó 97,7% hợp lý về chỉ định, 49,6% hợp lý về liều, khoảng cách liều, hợp lý chung kháng đông là 48,5%.
Tỷ lệ người bệnh có chỉ định corticosteroid là 45,5%, thời gian sử dụng corticosteroid trung vị 7 (7-9,8) ngày, trong đó 44,7% hợp lý về chỉ định, 96,6% hợp lý về liều, khoảng cách liều. Hợp lý chung corticosteroid là 43,3%. 36,4% người bệnh có chỉ định kháng sinh, hợp lý về chi định 41,7%, liều, khoảng cách liều 85%, hợp lý chung 35,4%.
Tỷ lệ có chỉ định thuốc kháng virus là 12,2%, hợp lý chung là 100%.
Kết quả điều trị và các yếu tố có liên quan đến thất bại trong điều trị
- Kết quả điều trị: 85,6% người bệnh đỡ/giảm. Thời gian nằm viện trung vị là 10,5 (8-14) ngày.
- Các yếu tố độc lập làm tăng tỷ lệ chuyển viện: Tuổi cao (OR: 1,045; 95%CI: 1,013-1,078; p=0,005), mắc nhiều bệnh mắc kèm (OR: 1,946; 95%CI: 1,207-3,135; p=0,006), đái tháo đường (OR: 2,723; 95%CI: 1,008-7,402; p=0,048), mức độ nặng khi nhập viện (OR: 8,5; 95%CI: 2,81-25,71; p< 0,001), không hợp lý kháng đông (OR: 10,333; 95%CI: 2,28-46,836; p=0,002).
- Không hợp lý corticosteroid (OR: 0,064; 95%CI: 0,014-0,293; p< 0,001), số mũi tiêm vaccin cao (OR: 0,468; 95%CI: 0,29-0,757; p=0,002) là yếu tố độc lập làm giảm tỷ lệ chuyển viện.
Đề tài được thực hiện tại địa phương, góp phần nhìn lại, đánh giá lại quá trình điều trị sử dụng thuốc người bệnh COVID-19 trong thời gian “nóng“ dịch bệnh. Đại dịch COVID-19 gây ra thách thức lớn cho nhân loại từ phương tiện chẩn đoán, điều trị, vaccin, trang thiết bị vật tư y tế, thuốc... Do đó áp lực cho chính phủ về các biện pháp phòng, chữa bệnh rất lớn. Quyết định 2671/QĐ-BYT năm 2023 “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19“ là phiên bản mới nhất về điều trị COVID-19. Những thay đổi như: Cập nhật về phân loại mức độ người bệnh, sử dụng corticosteroid trong hướng dẫn điều trị mới. Sự lưu hành của các biến thể COVID-19 mới, cũng như hiệu quả của tiêm ngừa vaccin đã làm thay đổi tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới. Từ thực tế hiện nay đề tài đưa ra các kiến nghị sau:
- Theo dõi các đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng trên người bệnh, đánh giá nguy cơ chuyển nặng để đưa ra phương án điều trị thích hợp trên từng người bệnh.
- Sử dụng hợp lý thuốc về chỉ định, liều và thời gian sử dụng. Hiệu chỉnh liều dùng trên các đối tượng đặc biệt, tối ưu hóa kháng sinh trong sử dụng.
Nguồn tóm tắt LVLA “Khảo sát việc sử dụng thuốc và hiệu quả điều trị ở người bệnh Covid-19 mức độ trung bình-nặng tại khu điều trị Covid-19 huyện Phú Giáo” của Đỗ Thu Hiền. Xem toàn văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ Bình Dương
Đỗ Thu Hiền