Tình hình đô thị hóa Bình Dương giai đoạn 1997 - 2017
Đây là đề tài cấp trường của Ths Lê Văn Năm và TS Trương Hoàng Trương đồng chủ nhiệm thuộc chương trình nghiên cứu “20 năm đô thị hóa Bình Dương - những vấn đề thực tiễn” thực hiện với mục đích đi sâu tìm hiểu các khía cạnh của quá trình đô thị hóa ở Bình Dương trong hơn 2 thập niên qua, tìm hiểu các tác nhân thúc đẩy quá trình đô thị hóa, các khía cạnh của sự phát triển đô thị và những tác động của đô thị hóa đến đời sống cư dân.
Đô thị hóa là hiện tượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Người sống ở các đô thị trên thế giới đã tăng từ 29% vào năm 1950 lên 50% vào năm 2007 và hiện nay hơn phân nửa nhân loại đang sinh sống ở các đô thị. Do tầm quan trọng của sự phát triển đô thị nên vấn đề đô thị hóa được nhiều nhà khoa học quan tâm.
Ở Bình Dương, vấn đề đô thị hóa chưa được nghiên cứu rộng rãi trước những năm 2010, khi mà tiến trình đô thị hóa chưa tạo dấu ấn mạnh mẽ tại đây. Tuy thế vẫn có những công trình, dù không đi sâu về vấn đề này, nhưng có đề cập đến các chuyển đổi của Bình Dương trong thời kỳ đổi mới.
Do đó, nhóm tác giả đã nghiên cứu tổng quan về vấn đề đô thị hóa ở Bình Dương. Kết quả cho thấy, cùng với lịch sử khai khẩn vùng đất Nam Bộ, về cơ bản đô thị Bình Dương phát triển theo hướng lan tỏa từ vùng lõi Thủ Dầu Một mở dần ra các vùng lân cận, đặc biệt là khu vực phía Nam, nơi tiếp giáp với Sài Gòn và Đồng Nai. Tuy quy mô và chức năng của đô thị Bình Dương thời kỳ trước năm 1997 chưa nhiều, chỉ dừng lại ở mức độ vùng nhưng ảnh hưởng của các đô thị Bình Dương không bị giới hạn ở phạm vi nội thị và phụ cận mà mở rộng ra mức độ liên tỉnh. Đô thị lõi Thủ Dầu Một mang tính chất của một cảng thị, giữ vai trò là tiếp điểm giữa các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của Đông Nam Bộ qua các thời kỳ.
Những chuyển biến trên nhiều lĩnh vực của Bình Dương từ sau khi đất nước được giải phóng đến trước đổi mới tuy chưa thể tạo ra động lực “cách mạng” để thúc đẩy sự bùng nổ quá trình đô thị hóa, nhưng đã định hướng tích cực cho một sự thay đổi căn bản về phát triển đô thị: kinh tế có chiều hướng chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp thông qua định hướn xây dựng các cụm công nghiệp tập trung; các điểm dân cư hình thành trong quá trình di dân, xây dựng kinh tế mới tạo ra những “mầm mống” cho các khu dân cư đông đúc sau này,… mở ra triển vọng cho quá trình đô thị hóa của tỉnh trong thời kỳ Đổi mới.
Qua 20 năm phát triển, đô thị hóa Bình Dương lấy công nghiệp làm nền tảng đã đạt được nhiều thành tựu với tốc độ phát triển kinh tế nhanh và quy mô lớn. Với địa thế và chính sách hợp lý giúp cho Bình Dương thu hút được đông đảo nguồn vốn từ bên ngoài, tập trung vào phát triển các khu công nghiệp. Bình Dương nhanh chóng trở thành một trung tâm công nghiệp của cả nước với diện tích đô thị ngày càng mở rộng trên cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện. Thu hút luồng di cư không ngừng đổ về thành phố để làm việc, làm cho đô thị Bình Dương ngày một mở rộng và phát triển.
Có thể nói quá trình phát triển đô thị của Bình Dương đang bước sang một thời kỳ mới mà yếu tố quyết định nằm ở khả năng làm chủ công nghệ. Bình Dương đã phát triển công nghiệp có nhiều thành tựu. Tuy nhiên, trong thời đại mới, việc phát triển của đô thị cần đi theo hướng lấy công nghệ làm chủ đạo. Áp dụng công nghệ vào các lĩnh vực khác nhau để tạo ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Như thế mới có thể duy trì sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc. Điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo không đi theo lối mòn tư duy mà phải có một tầm nhìn toàn diện và rộng mở, hướng đến những mô hình phát triển đô thị cung cấp tối đa tài nguyên lao động chất lượng cao phục vụ cho mục đích phát triển đô thị theo hướng công nghệ.