Hoạt động khoa học và công nghệ của Trường Đại học Thủ Dầu Một năm học 2020-2021
Phòng Khoa học - trường Đại học Thủ Dầu Một
Trong năm 2021, hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường đại học Thủ Dầu Một đã thực hiện đúng chiến lược nghiên cứu của Nhà trường bao gồm các chiến lược nghiên cứu về Đông Nam bộ - Vùng Thành phố Hồ Chí Minh; Thành phố thông minh, Đại học thông minh; Nông nghiệp đô thị - Bản địa - Chất lượng cao; Chất lượng giáo dục; Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Ảnh hưởng tác động của đại dịch COVID-19 đến đời sống xã hội. Kết quả năm 2021 đã thu hút nâng cao tỷ lệ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học đạt 90,43%, sinh viên đạt 30,32%. Đây là một sự nổ lực rất lớn, đáng khích lệ và tự hào của lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và học viên Nhà trường
Kết quả hoạt đạt được
Hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên, hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học
Năm 2021, Trường triển khai thực hiện 160 đề tài khoa học và công nghệ cấp trường, trong đó số đề tài được ký hợp đồng thực hiện là 68 đề tài, số đề tài nghiệm thu là 38 đề tài. Các đề tài được nghiệm thu bao gồm các lĩnh vực giáo dục, môi trường, kinh tế, xã hội. Kết quả của các nghiên cứu khoa học cấp trường vừa có thể giúp cho các cán bộ giảng viên trong Trường tham gia vào nghiên cứu khoa học, tích lũy điểm nghiên cứu, cung cấp tư liệu tham khảo trong học tập và giảng dạy còn giúp cho việc đào tạo các sinh viên tham gia cùng nghiên cứu, làm quen với nghiên cứu khoa học.
Các Nhóm nghiên cứu mạnh tuy mới được thành lập vào đầu năm, trong năm 2021 cũng đã thực hiện ký kết được 08 hợp đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ. Các lĩnh vực nghiên cứu tập trung vào lĩnh vực giáo dục học, STEM; nghiên cứu những vấn đề xã hội, cơ hội và thách thức của nền kinh tế tỉnh Bình Dương trong bối cảnh dịch Covid 19; nghiên cứu về vật liệu mới, mô hình và mô phỏng theo hướng dữ liệu các quá trình gia công chế tạo; tối ưu hóa các quá trình điều khiển.
Về nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ/Tỉnh, Nhà nước, Trường đã và đang đăng ký, thực hiện tổng số 24 nhiệm vụ; 01 dự án do VinIF tài trợ, 01 đề tài độc lập cấp Nhà nước, 02 đề tài do Nafosted tài trợ, 01 đề tài cấp tỉnh Bến Tre, 02 dự án do Erasmus+ tài trợ (V2Work và Chiếu sáng thông minh) được giao chủ trì thực hiện; 15 đề tài đang trong quá trình xét duyệt đề xuất, giao nhiệm vụ nghiên cứu (05 đề tài Nafosted đề xuất thực hiện, 03 đề tài cấp tỉnh Bình Dương tham gia tuyển chọn thực hiện, 07 đề xuất đề tài cấp tỉnh). Trong đó đề tài nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp và cộng sự về “Lịch sử Bình Dương” đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương nghiệm thu cấp tỉnh và cấp giấy xác nhận kết kết quả, đây là một nguồn tư liệu lớn phục vụ cho tham khảo, nghiên cứu và học tập trong lĩnh vực lịch sử và văn hóa xã hội của Bình Dương cũng như cho các nhà sử học trong và ngoài nước.
Hoạt động Biên soạn tài liệu và công bố khoa học, hội thảo, hội nghị khoa học
Năm nay, Trường có 47 tài liệu được triển khai thực hiện. Trong đó, số tài liệu được ký hợp đồng biên soạn là 15 tài liệu, số tài liệu được nghiệm thu là 09 tài liệu.
Tổng số lượng bài báo của cán bộ, giảng viên của Trường và cán bộ hợp tác nghiên cứu khoa học trong năm đã công bố trên các tạp chí quốc tế là 446 bài (với 285 bài của CBGV trong trường, 161 bài của CBHT NCKH (chiếm 36,1%)). Trong đó: 174 bài có tác giả chính (hoặc tác giả liên hệ) là CBGV cơ hữu của Trường và 123 bài có tác giả chính (hoặc tác giả liên hệ) là CBHT. Tổng số bài báo đăng trên các tạp chí trong nước của CBGV toàn trường là 332 bài.
Trường đã tổ chức 18 hội thảo, hội nghị khoa học (02 quốc tế, 03 quốc gia, 13 cấp trường), 01 tọa đàm quốc tế, 02 ngày hội khoa học, 01 Triển lãm Mỹ thuật và 01 Chương trình “Nâng cao năng lực viết bài công bố quốc tế”. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid 19, đa số các hội thảo, hội nghị được tổ chức thành công bằng hình thức trực tuyến, thu hút sự tham gia của nhiều người và được các đại biểu, đối tác ngoài trường đánh giá cao về công tác tổ chức.
Hoạt động nghiên cứu khoa học của các cá nhân, đơn vị hợp tác
Trường đã ký hợp đồng hợp tác NCKH với 61 nhà nghiên cứu ngoài trường. Hiện tại, tổng số CBHT NCKH là 87 người. Các CBHT tham gia vào các chương trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh cùng thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ (KH&CN) theo định hướng của Nhà trường, đề xuất đăng ký thực hiện đề tài cấp tỉnh, đề tài Nafosted, công bố kết quả nghiên cứu mới trên các tạp chí ISI, Scopus… Có 161 bài báo ISI, Scopus được CBHT công bố trong năm học 2020-2021.
Viện Phát triển Chiến lược đang hợp tác với hai chuyên gia nước ngoài Zafar Mohammed và Alberto Mendizabal để tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng viết bài học thuật công bố quốc tế với mục tiêu là tăng cường khả năng viết bài công bố quốc tế cho đội ngũ giảng viên (GV) của trường. Hiện nay, Viện đang phối hợp với chuyên gia Alberto để thực hiện các đề tài Lớp học thông minh và Khảo sát tiền dự án đào tạo sinh viên (SV) trở thành nguồn nhân lực.
Hoạt động sở hữu trí tuệ, ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
Hoạt động đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT) đã được Nhà trường thực hiện từ năm 2018. Đặc biệt, từ giữa năm 2020 đến nay, Viện Phát triển Ứng dụng và các cá nhân đã thực hiện đăng ký 03 nhãn hiệu, 03 giải pháp hữu ích, 03 sáng chế và 04 kiểu dáng công nghiệp. Hiện tại, Trường có 14 đối tượng sở hữu trí tuệ đã thực hiện đăng ký, trong đó có 01 Nhãn hiệu (“Đại học Thủ Dầu Một THU DAU MOT UNIVERSITY 2009” (Nhóm hàng hóa/ dịch vụ: 41, 42)) được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký, 01 Kiểu dáng công nghiệp (Hộp trà Thảo dược Đông trùng linh chi) được cấp Bằng độc quyền. Tháng 7/2020, ThS. Ngô Bảo (khoa Kiến trúc) cũng được cấp Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích “Môđun giàn giáo xếp” (tác giả tự túc kinh phí và thủ tục đăng ký).
Năm 2021, Nhà trường có 07 hợp đồng chuyển giao công nghệ, 10 hợp đồng thực hiện dịch vụ KH&CN liên quan đến chuyển giao công nghệ xây dựng nhà trồng nấm và phôi nấm ăn, nấm dược liệu tại các tỉnh và Bình Dương cho các hộ sản xuất và doanh nghiệp, liên quan đến thiết kế công trình, thí nghiệm vật liệu xây dựng và kiểm tra chất lượng thi công tại công trình với tổng giá trị thực hiện là gần 2,5 tỷ đồng. Cụ thể như sau:
+ Từ 01/2021 đến nay, Viện Phát triển Ứng dụng thực hiện được 06 hợp đồng chuyển giao công nghệ, tổng trị giá (bao gồm cả chi phí thực hiện) tổng trị giá 1,04 tỷ đồng, bao gồm chuyển giao công nghệ xây dựng nhà trồng nấm và phôi nấm ăn, nấm dược liệu tại các tỉnh và Bình Dương cho các hộ sản xuất và doanh nghiệp.
+ Từ 6/2020 đến nay, Trung tâm Kiểm định và Tư vấn Xây dựng thực hiện được 08 hợp đồng thí nghiệm vật liệu xây dựng và kiểm tra chất lượng thi công tại công trình cho các đối tác là các công ty xây dựng có công trình xây dựng trong địa bàn tỉnh Bình Dương, tổng trị giá (bao gồm cả chi phí thực hiện) tổng trị giá 421 triệu đồng; thực hiện được 01 hợp đồng chuyển giao công nghệ, tổng trị giá (bao gồm cả chi phí thực hiện) tổng trị giá 99 triệu đồng, bao gồm chuyển giao công nghệ bộ mô hình cần trục tháp và vận thăng xây cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng số 10 IDICO; thực hiện được 02 hợp đồng thiết kế công trình cho đối tác là Ban Quản lý Dự án huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương, tổng trị giá (bao gồm cả chi phí thực hiện) tổng trị giá 920 triệu đồng.
Ngoài ra, công tác phát triển các công thức sản phẩm tiếp tục được phát triển từ kinh phí thu được từ chuyển giao công nghệ của Viện Phát triển Ứng dụng, như các công thức mới về mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng nấm, tảo…; công tác thí nghiệm và thiết kế tiếp tục được Trung tâm Kiểm định và Tư vấn Xây dựng phát triển hứa hẹn đưa đến nhiều hợp đồng chuyển giao có giá trị ứng dụng và kinh tế.
Kết quả nghiên cứu và chuyển giao của các Viện/ Trung tâm theo định hướng của Nhà trường đã tạo được niềm tin với doanh nghiệp và người tiêu dùng, và khẳng định định hướng đúng đắn của Trường trong hỗ trợ phát triển ứng dụng. Các đề tài của SV và CBGV cũng được định hướng dần theo hướng khả thi trong ứng dụng để làm nguồn tài nguyên chuyển giao cho trường sau này. Các kết quả nghiên cứu đề tài cấp Trường của CBGV được ứng dụng làm tài liệu giảng dạy, tham khảo phục vụ công tác đào tạo hoặc chuyển giao kết quả NCKH trong hoạt động khởi nghiệp.
Hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên, học viên sau đại học, các vườn ươm nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo
Trong năm học, SV đề xuất 06 đề tài, thực hiện 06 đề tài, nghiệm thu 05 đề tài, HV thực hiện 03 đề tài, NCS thực hiện 01 đề tài theo phương thức đề tài cấp Trường. Đối với đề tài NCKH SV, có 380 đề tài được đề xuất, 325 đề tài được giao thực hiện, 195 đề tài đã nghiệm thu. Có 214 báo cáo tốt nghiệp (BCTN) đạt trên 8,0 điểm đề nghị được thưởng theo mức kinh phí đề tài NCKH SV.
Học viên sau đại học của Trường đã công bố 14 bài báo khoa học trên các tạp chí trong nước, 77 báo cáo khoa học trong kỷ yếu Ngày hội Khoa học CBGV và học viên sau đại học lần V - năm 2021. Các nhóm SV cũng công bố 01 báo cáo khoa học trong kỷ yếu hội thảo quốc tế, 01 bài báo trên tạp chí quốc tế (trực tuyến), 02 bài báo trên Tạp chí Đại học Thủ Dầu Một phiên bản tiếng Anh, 04 bài báo trên các tạp chí trong nước và 75 bài báo cáo từ kết quả thực hiện đề tài NCKH SV trong tập Kỷ yếu của Ngày hội Sáng tạo và Khởi nghiệp lần IX - năm 2021.
Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong SV là hoạt động quan trọng và cần thiết của công tác đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Trong năm học 2020 - 2021, Nhà trường đã ban hành các kế hoạch đào tạo, triển khai hoạt động khởi nghiệp sáng tạo dành cho SV Trường như: Chương trình học tập thực tế “Startup Open Day 2020” tại Khu Công nghiệp Phần mềm ĐHQG TP. Hồ Chí Minh với 29 SV đại diện các nhóm ý tưởng/ dự án tham gia khóa đào tạo và 53 SV tham gia chương trình học tập thực tế Startup Open Day 2020; Khóa tập huấn đào tạo trực tuyến cung cấp các kiến thức nền tảng về xây dựng dự án khởi nghiệp dành cho SV với 132 SV tham gia. Nhà trường đã tổ chức Cuộc thi TDMU Startup Innovation 2020 với 72 ý tưởng đến từ 280 SV đăng ký tham gia tại vòng Sơ tuyển ở các lĩnh vực như: khoa học công nghệ, nông nghiệp, giáo dục y tế, dịch vụ du lịch, kinh doanh tạo tác động xã hội và lĩnh vực khác; 40 ý tưởng tham gia vòng đào tạo; 20 ý tưởng tham gia vòng Bán kết; 13 ý tưởng tham gia vòng Chung kết ý tưởng. Ban Tổ chức đã trao 05 giải cho 05 dự án xuất sắc nhất tại vòng Chung kết đề án kinh doanh.
Phối hợp Tỉnh Đoàn Bình Dương tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp với chủ đề BinhDuong Startup Innovation 2020 dành cho SV đang học tập trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Kết quả: 77 SV (25 ý tưởng) đăng ký tham gia cuộc thi, 01 ý tưởng đạt giải Nhất (đề tài “Xà phòng đa năng, chiết xuất từ hoa dâm bụt”), 01 ý tưởng đạt giải Nhì và 04 ý tưởng đạt giải Khuyến khích. Các dự án của SV Trường cũng tham gia cuộc thi khởi nghiệp các cấp và đạt kết quả đáng khích lệ như: Dự án Kẹo dẻo hỗ trợ phòng chống đột quỵ C-Nato đạt Top15 SV.Startup 2020 (do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức) và đạt Giải nhì Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2020…
Trường tham gia Dự án quốc tế V2WORK - Dự án Tăng cường hệ thống giáo dục Việt Nam nhằm hỗ trợ khả năng tìm kiếm việc làm và kỹ năng khởi nghiệp của SV tốt nghiệp. Đồng thời, trở thành thành viên của mạng lưới VEES-NET - một mạng lưới hợp tác giữa 08 trường đại học hàng đầu Việt Nam nhằm giúp SV tìm được công việc phù hợp với trình độ chuyên môn sau khi tốt nghiệp và hỗ trợ các trí thức trẻ vượt qua những thách thức ban đầu trên con đường khởi nghiệp. Phối hợp cùng Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia phía Nam, Hội đồng Anh tại Việt Nam, Sở KH&CN tỉnh Bình Dương, Trung tâm Sáng kiến Cộng đồng và Hỗ trợ Khởi nghiệp tỉnh Bình Dương, mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp, vườn ươm, các trường đại học tại Việt Nam trong việc phát triển hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cho SV và đào tạo đội ngũ GV về khởi nghiệp. Nhà trường cũng tổ chức Chương trình giao lưu khởi nghiệp dành cho SV với chủ đề “Làm sao để khởi nghiệp thành công?” lần III - năm 2020 với 09 diễn giả, khách mời là những doanh nhân, thành viên thuộc Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia phía Nam cùng 600 SV tham gia.
Hoạt động hợp tác khoa học và công nghệ (doanh nghiệp và quốc tế)
Nhóm nghiên cứu mạnh “Mô hình và mô phỏng theo hướng dữ liệu các quá trình gia công chế tạo” (gọi tắt MaSDA, thuộc Viện Phát triển Chiến lược) hiện đang định hướng thiết lập các mối quan hệ hợp tác quốc tế thông qua các dự án phi chính phủ, dự án có vốn đầu tư nước ngoài và công ty nước ngoài, liên kết với các trường đại học nước ngoài, khu vực Châu Á tổ chức các hội thảo quốc tế, công bố chung các kết quả NCKH với các nhà khoa học ngoài nước (như Hội nghị quốc tế RICE 2021, Tạp chí quốc tế International Journal Machine Learning and Networked Collaborative Engineering), nộp hồ sơ đăng kí đề tài NCKH Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted), dự án hợp tác khoa học song phương Việt Nam - Vương quốc Bỉ, hợp tác với các chuyên gia nước ngoài trên nhiều lĩnh vực nhằm học hỏi kinh nghiệm, sáng tạo trong quá trình nghiên cứu và ứng dụng.
Từ hoạt động hợp tác trong nước và nước ngoài giữa các nhóm NCKH của Trường với vai trò nhóm nghiên cứu mạnh (NCM) hoặc chương trình nghiên cứu, các CBGV tham gia nhóm đã bước đầu kết nối, hợp tác với bên ngoài trong việc gia tăng số lượng công bố bài báo quốc tế uy tín. Một số nhóm nghiên cứu đã có kế hoạch về tổ chức hội thảo trực tuyến, hoặc trực tiếp làm việc sau khi hết dịch bệnh Covid như: các nhóm NCM về Vật lý, Sinh học các hợp chất tự nhiên, Toán ứng dụng, các chương trình nghiên cứu về Nấm tảo, Hóa học, Thực phẩm, Dinh dưỡng…
Hệ thống tính toán hiệu năng cao của Trường Đại học Thủ Dầu Một (gọi tắt là TDMU HPCC) đặt tại Trung tâm Công nghệ Thông tin đã được sử dụng để hợp tác tổ chức Khóa học trực tuyến quốc tế International Virtual Courses 2020 “Basic and Applied Nanotechnology from Computational to Experimental Method”, được đồng tổ chức bởi Viện Công nghệ Bandung - Indonesia, Đại học Osaka - Nhật Bản, Trường Đại học Thủ Dầu Một - Việt Nam và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội - Việt Nam. Trong khóa học này, Hệ thống TDMU HPCC đại diện cho đơn vị đồng tổ chức chính của phía Việt Nam đã cấp phát tài nguyên cho 27 học viên trong 03 buổi thực hành về mô phỏng vật liệu do các GS của trường Đại học Osaka - Nhật Bản hướng dẫn. Ngoài ra, hệ thống TDMU HPCC cũng đang được sử dụng làm cơ sở tính toán cho các buổi thực hành mô hình và mô phỏng cho 02 hội nghị liên trường sắp diễn ra vào tháng 10/2021 và 11/2021, được tổ chức bởi Viện Phát triển Ứng dụng, Trường Đại học Thủ Dầu Một.
Tháng 10/2020, Nhà trường và Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Sài Gòn Xanh - TRIBAT (là một doanh nghiệp có uy tín chuyên cung cấp các sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực xử lý môi trường và nông nghiệp đô thị, với các sản phẩm chính mang thương hiệu Tribat) đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác. Việc hợp tác trực tiếp với các doanh nghiệp sẽ giúp cho Nhà trường có thể triển khai được các đề tài, dự án nghiên cứu mang tính ứng dụng cao hoặc chuyển giao được các kết quả NCKH phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, địa phương đồng thời doanh nghiệp cũng góp phần hỗ trợ cho Nhà trường trong các hoạt động đào tạo như: phối hợp nhận SV đến thực tập, thực hiện đề tài tốt nghiệp, giới thiệu cán bộ của doanh nghiệp tham gia giảng dạy, đánh giá SV ở các học phần phù hợp…
Hoạt động thông tin khoa học và công nghệ (tạp chí, trung tâm dữ liệu)
Từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2021, Tạp chí đã xuất bản 6/6 kỳ tạp chí bản in (đăng 67 bài báo khoa học tiếng Việt) và xuất bản 4/4 kỳ tạp chí điện tử (đăng 41 bài báo khoa học tiếng Anh). Ban Xuất bản phối hợp xuất bản: 01 quyển sách chuyên khảo, 09 quyển sách tham khảo, 02 quyển sách dịch và xuất bản (có bản quyền), 04 quyển sách kỷ yếu hội thảo khoa học (164 bài tham luận)…
Tài nguyên của Hệ thống TDMU HPCC là cơ sở xương sống để các nhà khoa học tính toán tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu về các bài toán mô hình mô phỏng. Cụ thể, tài nguyên của hệ thống đã được các nhà khoa học trong trường sử dụng để đạt được các chỉ tiêu khoa học quan trọng như sau: 16 bài báo ISI/Scopus, 01 chương sách, 11 báo cáo hội nghị/hội thảo, 16 đề tài cấp Trường (trong đó có 03 đề tài của nhóm nghiên cứu mạnh), 01 dự án VINIF, 02 đề tài Nafosted đã nộp đề xuất tháng 6/2021. Tài nguyên Hệ thống TDMU HPCC còn là cơ sở rất quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học các chuyên ngành khoa học tính toán. Có 02 luận án NCS chuyên ngành Vật lý tính toán, 01 luận án NCS chuyên ngành Tin-Sinh học, 02 luận án NCS chuyên ngành Khoa học tính toán, 01 luận văn cao học chuyên ngành Vật lý tính toán, 22 BCTN đại học chuyên ngành Vật lý, 03 lớp tập huấn, 03 học phần đại học sử dụng tài nguyên của hệ thống để thực hiện hoặc hướng dẫn người học thực hiện. Tài nguyên của Hệ thống TDMU HPCC cũng đã đóng góp tích cực cho cộng đồng học thuật như: hỗ trợ cho các khóa tập huấn/hội nghị khoa học quốc tế, hỗ trợ cho các học viên/nghiên cứu sinh ở các trường đại học (được đồng hướng dẫn bởi các nhà khoa học của Trường) để thực các luận văn/luận án, hợp tác và hỗ trợ phát triển nghiên cứu cho các nhà khoa học tính toán ở các đơn vị nghiên cứu trong nước đang gặp khó khăn về tài nguyên nghiên cứu để thực hiện các công trình nghiên cứu chung với các nhà khoa học của Trường…
Trung tâm Học liệu tiếp tục được đầu tư phát triển nhằm phục vụ tốt hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu của CBGV và người học. Năm học 2020 - 2021, Trung tâm tiếp tục cập nhật bổ sung theo từng số phát hành 73 tạp chí chuyên ngành, 1.286 nhan đề 3.945 bản sách giấy và 51 ebook ngoại văn, mua quyền truy cập các cơ sở dữ liệu trong và ngoài nước với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. Tiếp nhận 149 bản giấy và 367 file mềm các loại khóa luận, luận văn, đề tài NCKH của CBGV, học viên sau đại học và SV. Xin tài trợ 32 nhan đề 160 bản sách ngoại văn về khoa học kỹ thuật trị giá 493 triệu đồng của TS. Võ Tá Hân. Trung tâm đã chuyển hơn 25.000 file toàn văn lên Trang Học liệu số để bạn đọc tra cứu và sử dụng thuận tiện hơn. Xây dựng 04 cơ sở dữ liệu (CSDL) toàn văn (Chương trình đào tạo, Nghiên cứu khoa học, Đông Nam Bộ và Bài báo tạp chí) giúp bạn đọc dễ dàng tìm thông tin theo chủ đề. Đưa vào sử dụng thiết bị hỗ trợ SV tự mượn trả tài liệu, mua tài liệu đáp ứng nhu cầu trong thời điểm dịch bệnh. Cấp mới 452 tài khoản sử dụng Trang Thư viện số (có hơn 12.000 lượt tài liệu được tải về từ trang này), phục vụ hơn 16.000 lượt mượn tài liệu về nhà, đặc biệt Trang Học liệu số có hơn 1.800.000 lượt truy cập sử dụng. Trong năm học, Trung tâm hợp tác chia sẻ với Thư viện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, tham gia vào Dự án Thư viện điện tử dùng chung khối ngành Kinh tế Quản lý và hiện đang được sử dụng 02 CSDL chuyên ngành thuộc dự án này, nâng tổng số CSDL trong và ngoài nước mà bạn đọc có quyền truy cập lên 09 CSDL, đơn vị tổ chức có hợp tác là 06. Do khả năng sử dụng của bạn đọc nói chung còn hạn chế nên chưa khai thác triệt để nguồn dữ liệu đa dạng và phong phú này.
Về tin học hóa công tác quản lý hoạt động KH&CN, được sự đồng ý chủ trương của lãnh đạo Trường, từ đầu năm 2021, Phòng Khoa học đã phối hợp với nhóm phát triển phần mềm quản lý của Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TP.HCM để đặt hàng xây dựng Hệ thống phần mềm quản lý hoạt động KH&CN của Trường Đại học Thủ Dầu Một (bao gồm các phân hệ chức năng: Quản lý Đề tài NCKH của CBGV, Quản lý Đề tài NCKH của người học, Quản lý các nhóm nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu, Quản lý Lý lịch khoa học và Kê khai các hoạt động khoa học, Quản lý Kết quả NCKH). Đồng thời viên chức của đơn vị (ThS. Cao Thanh Xuân) cũng đề xuất vào danh mục năm 2021 đề tài “Xây dựng ứng dụng tra cứu online xác định loại tạp chí trong nước và quốc tế”.
Đầu tư phát triển, tăng cường năng lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học
Trong năm 2020, Nhà trường đã đầu tư xây mới 03 xưởng thực hành tại cơ sở Bến Cát, phục vụ các chương trình đào tạo: Kiến trúc, Xây dựng, Tự động hóa, Cơ điện tử, Mỹ thuật, Chế biến lâm sản, Kỹ nghệ ô tô (diện tích 4.800m2). Cải tạo tầng 2 nhà xe CBGV thành phòng thực hành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (diện tích 170m2). Trong năm 2020-2021, Nhà trường đã thực hiện mua sắm trang thiết bị cho các chương trình nêu trên (có Danh mục các trang thiết bị được đầu tư do Phòng Cơ sở vật chất cung cấp).
Hiện tại, Viện Phát triển Ứng dụng đang quản lý 11 phòng Lab. Thông qua các nhóm nghiên cứu, chương trình nghiên cứu thuộc Viện đã đề xuất và lập kế hoạch các danh mục trang thiết bị, hóa chất phục vụ cho hướng nghiên cứu ứng dụng và trọng điểm trong định hướng nghiên cứu của Trường Đại học Thủ Đầu Một (Nông nghiệp đô thị - chất lượng cao, Thành phố thông minh, Trường đại học thông minh), cho các hoạt động thực tập thực hành, các nhóm NCM, phòng thí nghiệm sản xuất thí điểm.
Hệ thống tính toán hiệu năng cao của Trường Đại học Thủ Dầu Một đặt tại Trung tâm Công nghệ Thông tin đã được đưa vào vận hành và khai thác ổn định. Tài nguyên của hệ thống gồm 280 cpu cores và 03 gpu cores đã được cấp phát tối đa cho 10 người dùng/nhóm nghiên cứu trong trường theo Quy chế quản lý và sử dụng Hệ thống được ban hành vào ngày 23/3/2021.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Trường Đại học Thủ Dầu Một cũng còn một số khó khăn trong việc triển khai các hoạt động hợp tác NCKH đối với các đề tài cấp tỉnh trở lên, hoạt động NCKH đối với sinh viên, học viên sau đại học chưa trở thành một hoạt động thường xuyên, còn thực hiện theo hướng phong, số lượng các đối tượng được đăng ký sở hữu trí tuệ, đặc biệt là sáng chế vẫn còn chưa tương xứng với các sản phẩm nghiên cứu được tạo ra… từ đó, Trường đã đặt ra một số giải pháp triển khai trong thời gian tới:
Về quản lý, hỗ trợ thực hiện đề tài
Các đơn vị chủ động, Phòng Khoa học hỗ trợ tìm kiếm, chia sẻ thông tin đăng ký, tuyển chọn về đề tài, dự án KH&CN cấp Tỉnh/Bộ, cấp Nhà nước hoặc đề tài, dự án do các quỹ KH&CN trong và ngoài nước tài trợ đến các nhóm nghiên cứu, cá nhân.
Phòng Khoa học cập nhật quy trình đăng ký và quản lý thực hiện đề tài cấp Trường theo Công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ NCKH của Hiệu trưởng; phối hợp với Phòng Đào tạo Đại học và Trung tâm Đảm bảo Chất lượng rà soát, thống nhất quy trình hoặc hướng dẫn đối với SV thực hiện BCTN có đăng ký hưởng thêm chế độ về NCKH của Trường (gồm: chuyển điểm đề tài NCKH SV thành điểm BCTN, thưởng tiền BCTN đạt trên 8,0 điểm, được duyệt kinh phí thực hiện như đề tài NCKH cấp Trường) đảm bảo phù hợp với các quy định quản lý và khuyến khích tối đa SV đăng ký thực hiện.
Về đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, sản phẩm nghiên cứu
Các khoa, viện, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác NCKH và chuyển giao công nghệ, sản phẩm nghiên cứu với các đối tác phù hợp với chức năng và lĩnh vực nghiên cứu của mình. Các đơn vị chủ động ký kết hoặc đề xuất Nhà trường ký kết với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp ở trong nước và nước ngoài trong việc hợp tác NCKH và chuyển giao công nghệ. Sau khi ký kết, hai bên cần xây dựng kế hoạch cụ thể để việc hợp tác NCKH và chuyển giao công nghệ thực chất và khả thi.
Phòng Khoa học phối hợp chặt chẽ hơn với các đơn vị liên quan (viện, trung tâm, khoa…) trong việc ứng dụng, chuyển giao, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu sau khi được nghiệm thu. Tham mưu, đề xuất lãnh đạo Trường có cơ chế khuyến khích các chủ nhiệm đề tài thực hiện ứng dụng, chuyển giao, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của mình sau khi được nghiệm thu.
Phòng Khoa học phối hợp tham mưu, đề xuất cơ chế nhằm tăng cường việc hợp tác NCKH ngày càng thực chất và phát huy tối đa khả năng nghiên cứu, sáng tạo của đội ngũ CBHT, góp phần tăng cường tiềm lực KH&CN để tham gia chuỗi hoạt động nghiên cứu và đổi mới, sáng tạo của quốc gia và khu vực. Các CBHT tự đăng ký và đánh giá kế hoạch hợp tác NCKH với Nhà trường hàng năm. Giới thiệu các CBHT tham gia cộng tác chuyên môn tại khoa,viện, chương trình đào tạo, nhóm nghiên cứu phù hợp.
Về đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ
Thực hiện thưởng kết quả đăng ký SHTT cho các cá nhân, tác giả đã được Cục SHTT cấp văn bằng theo Mục 8, Phần II tại Quyết định số 43/QĐ-HĐTr (KH) ngày 23/6/2021 của Hội đồng Trường. Đối với đối tượng SHTT đã được cá nhân tự đầu tư đăng ký và được cấp văn bằng của Cục SHTT, Nhà trường xem xét việc mua, chuyển nhượng lại từ các tác giả để gia tăng số tài sản SHTT, đồng thời giúp cho việc đẩy mạnh hoạt động thương mại hóa, khởi nghiệp từ các tài sản SHTT đã có.
Phòng Khoa học và các đơn vị tiếp tục phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về SHTT tại trường cho CBGV, người học tham gia; nội dung tập huấn hướng đến nhu cầu và đặc thù chuyên môn của từng đối tượng cụ thể, đặc biệt chú ý khâu thực hành, hướng dẫn chi tiết hồ sơ, biểu mẫu, cách viết tờ khai… trong các khóa tập huấn. Cử CBGV tham gia các lớp tập huấn về SHTT phù hợp do các đơn vị ngoài trường tổ chức.
Các đơn vị cần tăng cường hơn nữa các hoạt động đăng ký SHTT, đặc biệt là đăng ký sáng chế để tính điểm xếp hạng Trường trong nghiên cứu ứng dụng, làm nguồn tài nguyên cho chuyển giao công nghệ, qua đó gia tăng nguồn thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ.
Về đẩy mạnh triển khai tin học hóa trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ
Triển khai sử dụng Hệ thống phần mềm quản lý hoạt động KH&CN của Trường Đại học Thủ Dầu Một từ năm học 2021-2022; thực hiện số hóa đồng bộ các hồ sơ liên quan trong quá trình triển khai Hệ thống phần mềm quản lý hoạt động KH&CN. Phòng Khoa học tổ chức thẩm định các đề xuất, đặt hàng thực hiện đề tài về phần mềm quản lý các nghiệp vụ nhằm tin học hóa trong công tác quản lý của Nhà trường nói chung và trong công tác quản lý hoạt động KH&CN nói riêng.
Phòng Khoa học phối hợp với các đơn vị liên quan tìm hiểu, tham mưu cho lãnh đạo Trường về các phần mềm tra soát sự trùng lắp hoặc phần mềm chống đạo văn trong nước và nước ngoài phù hợp, về thông tin tài khoản truy cập các cơ sở dữ liệu khoa học uy tín (WoS,…) để hỗ trợ cho người nghiên cứu thuận tiện hơn trong việc tiếp cận, khai thác và sử dụng các nguồn tài liệu tham khảo phục vụ cho quá trình nghiên cứu, nâng cao chất lượng các sản phẩm công bố.
Về hoàn thiện cơ chế, chế độ liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ
Phòng Khoa học phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu để hoàn thiện hệ thống văn bản về quản lý hoạt động KH&CN của Nhà trường như: Quy định quản lý hoạt động SHTT; Quy định về định giá các sản phẩm KH&CN, tài sản trí tuệ; Quy định về Giải thưởng KH&CN của Trường Đại học Thủ Dầu Một với tiêu chí cụ thể dành cho các đối tượng CBGV, CBHT, SV, HV sau đại học nhằm tuyên dương các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc… Đồng thời rà soát, cập nhật lại các quy định đã ban hành đảm bảo phù hợp với quy định điều chỉnh của cấp trên và phù hợp với sự phát triển hoạt động KH&CN của Trường.
Phòng Khoa học phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu bổ sung các chế độ chính sách liên quan (như: chế độ cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động KH&CN ở các đơn vị, định mức về giờ dạy các khóa khởi nghiệp ngắn hạn ngoài chương trình đào tạo, Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, cơ chế phân bổ lợi nhuận, lợi ích từ việc sử dụng và khai thác tài sản trí tuệ…) nhằm thúc đẩy hoạt động NCKH, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Trường phát triển bền vững.
Về đầu tư, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ
Viện Phát triển Chiến lược và các đơn vị có chức năng tiếp tục tham mưu, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực NCKH và phát triển công nghệ đáp ứng nhu cầu của CBGV và người học thuộc các lĩnh vực chuyên ngành, giúp nâng cao tinh thần, thái độ của các đơn vị và cá nhân trong hoạt động KH&CN.
Các viện, trung tâm, khoa tiếp tục thúc đẩy việc thành lập các nhóm NCM, các nhóm nghiên cứu liên ngành, xuyên ngành để tạo uy tín cho Trường trong lĩnh vực NCKH.
Phòng Tổ chức phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định đề xuất thành lập Phòng Thí nghiệm Tính toán hiệu năng cao trực thuộc Trung tâm Công nghệ Thông tin.
Phòng Cơ sở Vật chất phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu kế hoạch mua sắm, bổ sung thêm các thiết bị, máy móc đáp ứng với sự phát triển hoạt động KH&CN của Nhà trường.