Giáo dục đại học trong việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng dưới góc nhìn về vai trò đào tạo - nghiên cứu khoa học trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Đinh Kiệm, Phước Minh Hiệp, Đào Văn Tuyết
Trường Đại học Bình Dương, Thành phố Thủ Dầu Một, Tỉnh Bình Dương, Việt Nam
TÓM TẮT
Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục và đào tạo là yếu tố quyết định đến sự nghiệp phát triển đất nước. Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là hiện đại hóa, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng”. Trong khuôn khổ bài viết, nhóm tác giả tập trung phân tích vai trò của giáo dục, đào tạo ở bậc đại học đối với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng; thực trạng giáo dục, đào tạo ở Việt Nam trong những năm qua; từ đó, gợi ý một số giải pháp đổi mới, nâng cao giáo dục, đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng ở Việt Nam
1. GIỚI THIỆU:
Nguồn nhân lực (NNL) được xem là tổng thể các yếu tố thể lực, trí lực, kỹ năng lao động, thái độ và phong cách làm việc, kinh nghiệm sống, đạo đức, lý tưởng, chất lượng văn hóa, năng lực chuyên môn, tính năng động trong công việc mà bản thân con người và xã hội có thể huy động vào cuộc sống lao động sáng tạo vì sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thật sự đặt NNL lao động chất lượng cao nói chung và lao động kỹ thuật nói riêng của nước ta trước những thách thức mới diễn ra hết sức nhanh chóng. Thị trường lao động sẽ bị thách thức nghiêm trọng giữa chất lượng và số lượng cung - cầu lao động cũng như cơ cấu lao động thêm vào đó trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo ra những áp lực kinh tế xã hội vô cùng căng thẳng và khốc liệt. Định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam chú trọng sự phát triển nhân lực, làm động lực cho tăng trưởng kinh tế thông qua sự kết hợp giữa các chiến lược quốc gia trong đó chính sách về giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là một điểm nhấn hết sức quan trọng, nội dung định hướng phát triển theo hướng đào tạo gắn với chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội, trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức cho người lao động gia nhập thị trường thay vì chú tâm đến mở rộng quy mô và chạy theo số lượng các trường đại học như hiện nay.
Thực trạng hiện nay cũng cần được nhìn nhận đúng mức về sự hạn chế, yếu kém về chất lượng giáo dục đào tạo nhất là ở bậc đại học cũng là một trở ngại lớn cho phát triển khoa học công nghệ nước nhà. Nhiệm vụ chính của giáo dục đại học là cung cấp NNL có chất lượng cho nền sản xuất để tạo ra của cải vật chất và tinh thần của xã hội. Một thách thức thường gặp hiện nay là các trường đại học có thể chưa dự đoán hết được các kỹ năng mà thị trường lao động cần. Các hoạt động đào tạo và nghiên cứu của các trường đại học chủ yếu vẫn theo phương pháp truyền thống sẽ phải đối mặt với những thay đổi mạnh mẽ cả về tư duy, cơ cấu kiến thức, kỹ năng và phương pháp. Với sự thay đổi như vũ bão của cách mạng công nghệ, đòi hỏi giáo dục phải nhanh chóng trang bị cho người học cả tư duy những kiến thức kỹ năng mới, khả năng sáng tạo, thích ứng với thách thức và những yêu cầu mới mà các phương pháp giáo dục truyền thống không thể đáp ứng.
2. Vai trò của giáo dục, đào tạo đối với việc phát triển nguồn nhân lực ờ nước ta hiện nay
Hầu hết ở các quốc gia đang vận động phát triển, giáo dục, đào tạo luôn được đặt ở vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức như hiện nay, khi nguồn lực con người đang ngày càng chiếm vị trí trung tâm, nhân tố quyết định cho sự sáng tạo,đổi mới và phát triển thì vai trò của GD&ĐT ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, phát huy vai trò giáo dục, đào tạo trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước đang trở thành vấn đề quốc sách hàng đầu ở nhiều quốc gia. GD&ĐT là một trong những động lực thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Đại hội XIII của Đảng gần đây đã tái xác định: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản nền giáo dục quốc dân… Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam”. Qua đó, trong chỉ đạo sách lược về phát triển và đổi mới giáo dục, theo Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng nhu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đã đề cập về sự nghiệp giáo dục, đào tạo quá trình đổi mới phải đạt tới thông qua ba mục tiêu là nâng cao dân trí, phát triển nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, trong đó phát triển nhân lực là mục tiêu có ý nghĩa quan trọng và được ưu tiên hơn.
Ngày nay, trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghiệp lần thứ tư, xu hướng tỷ lệ lao động trình độ kỹ thuật thấp, giản đơn ngày một giảm, lao động trí tuệ ngày càng gia tăng, lợi thế so sánh dựa trên số lượng lao động và giá nhân công rẻ cũng ngày một giảm và đang chuyển dần về phía những quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, chất lượng NNL đang trở thành yếu tố quyết định nhất đối với việc tăng lợi thế cạnh tranh cũng như sự phát triển nhanh và bền vững của mỗi quốc gia. Điều này càng củng cố vai trò của giáo dục đào tạo trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay ở nước ta.
2.1. Đặc trưng và lĩnh vực công nghệ chủ đạo của cmcn 4.0
Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một xu hướng tất yếu của sự phát triển. Bản chất của CMCN 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh, đặc trưng bởi sự kết hợp giữa Internet kết nối vạn vật (IoT) và các hệ thống kết nối Internet (IoS) với phạm vi bao trùm tất cả các lĩnh vực.
Cuộc cách mạng lần thứ 4 gồm 15 lĩnh vực chủ đạo: Cơ sở dữ liệu tập trung (Big Data), thành phố thông minh (Smart Cities), tiền ảo (Blockchain/Bitcoin), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), năng lượng tái tạo/Công nghệ sạch (Renewable Energy/Clean-tech), công nghệ màng mỏng (FinTech), thương mại điện tử (E-Commerce), người máy (Robotics), công nghệ in 3D (3D Printing), kết nối thực ảo (Virtual/Augmented Reality), các nền kinh tế chia sẻ (Shared Economies), Internet kết nối vạn vật (IoThings), công nghệ Nano/ Vật liệu 2D, (Nanotechnology/2D Materials), công nghệ sinh học/Biến đổi gen và cách mạng nông nghiệp (Biotechnology/Genetics & Agricultural Innovation), khử muối lọc nước ngọt từ nước biển và quản lý chất thải rắn (Desalination and Enhanced Waste Management.)
2.2. Thực trạng về năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng tại VN
Phải thừa nhận rằng giáo dục đại học Việt Nam trong suốt thời gian qua đã có những đóng góp rất lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng và xây dựng tổ quốc, nhất là trong quá trình phục hồi và chấn hưng nền kinh tế đất nước. Giáo dục đại học là hình thức tổ chức giáo dục cho các bậc học sau giai đoạn bậc phổ thông với các trình độ đào tạo: gồm trình độ cao đẳng, trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.
Theo Báo cáo của Bộ GD&ĐT (2017), và Tổng Cục Thống kê, qua các số liệu và những phân tích, những kết luận cho thấy hoạt động giáo dục đại học hiện nay đang có nhiều yếu kém, bất cập. Những bất cập đó có thể nhìn ở khía cạnh số lượng, khi mà tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi 20-24 đang được đào tạo trong các trường đại học ở Việt Nam chỉ chiếm 10%, trong khi đó tỷ lệ này ở Thái Lan là 41%, Hàn Quốc là 89% và ở Trung Quốc là 15%. Số sinh viên trên vạn dân hiện nay ở nước ta là khoảng 120, trong khi đó con số này ở Thái Lan là 400 sinh viên.
Vài năm gần đây, số lượng học sinh THPT đăng ký tham gia kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học thường ở vào khoảng 1,6 - 1,8 triệu lượt thí sinh, nhưng hệ thống các trường đại học chỉ có khả năng đáp ứng được khoảng 1/5 đến 1/6 số lượng nêu trên. Bộ GD&ĐT hiện cũng chỉ quản lý gần 30% các trường đại học cao đẳng trong toàn quốc. Đặc điểm hệ thống Giáo dục Quốc dân của Việt Nam hiện nay có thể thấy được chia thành 3 nhóm chính gồm:
Các cơ sở giáo dục đào tạo lao động nghề nghiệp: Theo thống kê của Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội, tính đến năm 2019, hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam với mạng lưới gồm 1.917 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống bố trí trải rộng khắp cả nước với 400 trường cao đẳng, 492 trường trung cấp, và 1025 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2016, cả nước có 67,686 giáo viên dạy nghề. Con số này tăng 11.35% (6,902 người) so với năm 2015. Năm 2019, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển được khoảng 2.338.000 người học. Trong năm 2017, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam đã cung cấp cho thị trường lao động 2.038.672 người đã qua đào tạo. Trong số này, khoảng 488.672 người có trình độ cao đẳng và trung cấp nghề. Số còn lại khoảng 1.550 nghìn người có chứng chỉ nghề ngắn hạn (đạt trình độ sơ cấp nghề và đào tạo dưới 3 tháng).
Đào tạo nhân lực thực hành hàn lâm: Trong năm 2019, Việt Nam có 237 trường đại học và học viện. Trong số này, có 172 trường công lập, 60 trường tư thục, và 5 trường 100% vốn nước ngoài. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện nay còn có 31 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Đội ngũ giảng viên ở các trường đại học dường như ít thay đổi trong suốt 17 năm qua, nhưng cũng trong khoảng thời gian đó số lượng sinh viên đã tăng lên gấp đôi, tức là từ 150 ngàn tăng lên 300 ngàn. Mặt khác số giảng viên có trình độ tiến sỹ cũng rất thấp, chỉ chiếm khoảng 10%, trong khi đó tỷ lệ tiến sỹ trong đội ngũ giảng viên trong các trường đại học mức trung bình ở phương Tây là khoảng 70%; số giảng viên là giáo sư, phó giáo sư cũng rất thấp (giáo sư chiếm 0,1%, phó giáo sư chiếm khoảng hơn 5% trong số giảng viên).
Cũng theo báo cáo của Bộ GD&ĐT (2018), có đến 16.514 trong tổng 72.792 giảng viên đại học của Việt Nam đạt trình độ tiến sỹ và 43.065 giảng viên đạt trình độ thạc sỹ trong năm học 2016-1017. Trong năm học 2019-2020, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam đang đào tạo 1.518.986 sinh viên. Khoảng 43% trong số này đang theo học các ngành kinh tế và luật, nhưng chỉ có khoảng 15% theo học các ngành khoa học cơ bản và khoa học công nghệ.
Đào tạo nhân lực hàn lâm học thuật: trong tổng số 237 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam năm 2019, hầu hết các trường đại học đều đã được cấp phép mở ngành đào tạo trình độ thạc sỹ hoặc liên kết đào tạo trình độ thạc sỹ. Số lượng tuyển sinh trình độ sau đại học liên tục tăng cho đến năm học 2018-2019, Tính riêng năm học 2017 - 2018, hệ thống này đào tạo 105.801 học viên cao học, 13.587 nghiên cứu sinh, và khoảng hơn 1.000 tiến sĩ. Trong năm học 2018-2019, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam đang đào tạo 108.134 người ở trình độ sau đại học, trong đó: 11.000 người ở trình độ tiến sỹ. Trong các năm học 2016-2017,2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam cho ra lò tổng cộng 35.918 thạc sỹ và tiến sỹ.
Tóm lại, Hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam những năm qua đã xây dựng được một hệ thống giáo dục toàn diện với đầy đủ các cấp học và loại hình đào tạo phân bố rộng khắp ở khắp cả nước đáp ứng được yêu cầu nhân lực chất lượng của thị trường lao động. Tuy nhiên xét về chất lượng thì còn nhiều hạn chế, thể hiện rõ nhất là năng lực giảng dạy của giảng viên không đồng đều, thậm chí nhiều trường đại học còn có nhiều giảng viên chưa đạt chuẩn theo quy định. Thực tế đó cho thấy thị trường lao động Việt Nam đang có xu hướng phân hóa ngày càng cao trong các cấp học thấp. Trong khi đó, các cơ sở giáo dục bậc cao của Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu đào tạo một đội ngũ nguồn nhân lực ngày càng được cải thiện cả về số lượng lẫn chất lượng của thị trường lao động việc làm.
3. Những cơ hội và thách thức trong giáo dục - đào tạo NNL chất lượng
3. 1. Những cơ hội:
Thứ nhất, Trong chiến lược phát triển, Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, chăm lo đến công tác giáo dục và đào tạo (GDĐT). Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững đất nước. Báo cáo Chính trị Đại hội XII của Đảng xác định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”… và yêu cầu “Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn”.
Thứ hai, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam. Đây là cơ hội lớn trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là cơ hội cho đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực cao nói riêng để đáp ứng nhu cầu thị trường trong giai đoạn mới.
Thứ ba, Trong tiến trình hội nhập gần đây Việt Nam đã chủ động tham gia ký kết các hiệp định FTA, hiệp định CPTPP,… đặc biệt là Hiệp định EVFTA mới có hiệu lực. Các chuyên gia cho rằng những cơ hội từ những hiệp định mà VN đã tham gia sẽ mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam cơ hội phát triển rất lớn, với điều kiện các nhà tuyển dụng phải có được lực lượng lao động phù hợp để khai thác được tất cả các cơ hội này. Bên cạnh đó, đặc thù hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu phần lớn dựa vào công nghệ, do đó, yêu cầu của các doanh nghiệp châu Âu không chỉ đơn thuần là những lao động giá rẻ, mà còn cần kỹ năng và trình độ chuyên môn cao, điều này sẽ thúc đẩy hoạt động đào tạo NNL chất lượng.
3. 2. Những thách thức:
Thứ nhất, Ở khía cạnh chất lượng, chất lượng giáo dục nói chung còn thấp, một mặt chưa tiếp cận được với trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, mặt khác chưa đáp ứng với các ngành nghề trong xã hội. Đặc biệt khi xem xét chất lượng đào tạo theo 4 tiêu chí chất lượng của sinh viên tốt nghiệp: kiến thức tổng quát (bao gồm kiến thức về xã hội, thông thạo kỹ thuật vi tính, tiếng Anh…), kiến thức chuyên môn, kĩ năng phát hiện, đặt và giải quyết vấn đề và tiêu chí nhân cách chúng ta có thể thấy chất lượng đào tạo của các đại học nước ta còn quá hạn chế và đang là bất cập lớn trong nhiệm vụ đào tạo NNL.
Thứ hai, xét về cơ sở vật chất hạ tầng và lực lượng giảng viên, cho thấy đội ngũ giảng viên khối đào tạo đại học thiếu về số lượng và nhìn chung đạt thấp về chất lượng. Công tác quản lý giáo dục còn kém hiệu quả.Chương trình, giáo trình, phương pháp giáo dục chậm đổi mới, chậm hiện đại hóa. Về phương pháp và hình thức tổ chức dạy học đại học, các trường đại học ở nước ta hiện nay nhìn chung chưa tiếp cận với các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học đại học phổ biến của thế giới. Về cơ sở vật chất của nhà trường không đồng bộ, còn thiếu thốn.
4. Một số giải pháp đổi mới, nâng cao giáo dục, đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực ở việt nam hiện nay
Để thực hiện nhiệm vụ GD&ĐT đối với mục tiêu phát triển NNL ở nước ta, nhóm tác giả gợi ý tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
+ Thứ nhất, Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí của Nhà nước đối với đổi mới GD&ĐT, bắt nhịp với xu thế phát triển KTTT của thế giới. Nhà nước xây dựng chiến lược nguồn nhân lực theo lĩnh vực và bậc đào tạo gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Trước hết cần tập trung đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản trong chiến lược phát triển GD&ĐT trong giai đoạn sắp tới theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Đồng thời, nghiên cứu đổi mới hệ thống giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và xu thế phát triển giáo dục của thế giới.
+ Thứ hai, Thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu của xã hội. Tập trung huy động các nguồn lực xã hội tham gia, đáp ứng kịp thời và hiệu quả nhu cầu NNL cho thị trường lao động, cần xã hội hóa mạnh mẽ khu vực đào tạo nghề, thực hiện đối tác công tư, thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào hệ thống giáo dục đào tạo. Cần có cơ chế, chính sách phù hợp thiết lập mối liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cả về nguồn lực, xây dựng nội dung, chương trình đào tạo và sử dụng hiệu quả sản phẩm giáo dục, đào tạo. Đồng thời, chúng ta cần tạo điều kiện và có cơ chế, chính sách mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế đầu tư kinh phí để xây dựng, phát triển hệ thống đào tạo ngay tại doanh nghiệp.
+ Thứ ba, Đào tạo nguồn nhân lực cần chú trọng đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề nhất là trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 như hiện nay. Việt Nam đang trên bước đường chuyển đổi thành nền kinh tế số, khuyến khích đổi mới sáng tạo, để thực hiện “đi tắt đón đầu” cần sử dụng nhiều trình độ công nghệ khác nhau, phát triển đa dạng các ngành nghề, cả những ngành sử dụng nhiều lao động và những ngành mũi nhọn, có lợi thế so sánh và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giáo dục, đào tạo phải đa dạng cả về trình độ và ngành nghề. Trong đó, tập trung thực hiện chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, công nghệ mũi nhọn…
5. Kết luận
Xuất phát từ thực trạng đào tạo NNL, qua phân tích thực trạng năng lực đào tạo, những cơ hội và thách thức trong công tác đào tạo NNL chất lượng của nước ta trong thời gian qua, cho thấy, để đáp ứng đủ yêu cầu nhân lực cho nền kinh tế phục vụ sự nghiệp đổi mới,sáng tạo, đòi hỏi phải thay đổi căn bản từ chính sách vĩ mô của Nhà nước thông qua chính sách quản lý thị trường lao động đến chính sách vi mô trong hoạt động của các cơ sở đào tạo, nhất là hình thức và phương pháp đào tạo toàn diện trong nhà trường. Vì CMCN lần thứ tư đòi hỏi phương thức và phương pháp đào tạo thay đổi với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng sẽ là những xu hướng đào tạo nghề nghiệp trong tương lai. Đối với Việt Nam, phát triển kinh tế tri thức đang là một tất yếu, trong đó GD&ĐT là trụ cột quan trọng nhất. Trong thời gian tới, cần tạo động lực và huy động mọi nguồn lực xã hội để nâng cao hiệu quả GD&ĐT. Việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp nêu trên và sự vào cuộc của tất cả các lực lượng sẽ tạo ra bức tranh kinh tế xã hội ở nước ta toàn diện và bền vững hơn.
Tài liệu tham khảo
1. Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010, trong Giáo duc đại học Việt Nam thời hội nhập, tr. 44, Nxb Lao động, Hà Nội, 2007.
2. Lê Văn Công, Vai trò giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong Giáo duc đại học Việt Nam thời hội nhập, tr. 57, Nxb Lao động, Hà Nội
3. Mạnh Cường, Bảy giải pháp đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, http://vietnamnet.vn/giaoduc
4. Nguyễn Văn Tuấn, Chất lượng giáo dục đại học: bắt đầu từ thày và kết thúc ở trò, Dien dan Forum, BP 50, 92340 Bourg-La-Reine, France diendan@diendan.org.
5. Duy Tuấn, Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam là cần thiết, trong Giáo dục đại học Việt Nam thời hội nhập, tr. 72, Nxb Lao động, Hà Nội.