Bình Dương: Hệ thống dữ liệu không gian đô thị thông minh được kết nối liên thông
Tỉnh Bình Dương là một trong những địa phương năng động về phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn phát triển rất cao; nhu cầu về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch các khu đô thị và khu công nghiệp, quản lý đầu tư xây dựng các dự án là rất lớn, điều này đã tạo ra nhiều áp lực lên công tác quản lý đô thị trên địa bàn Tỉnh.
Giải quyết vấn đề xã hội
Trước nhu cầu và thực tế tốc độ đô thị hoá trên địa bàn tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật. Cùng với đó, tỉnh cũng đã xây dựng và công khai các quy trình xây dựng tại các UBND huyện/thị xã/thành phố, góp phần giúp cho công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Tuy nhiên, cùng với việc ban hành các văn bản, cơ cấu lại bộ máy tổ chức ở các cấp, sự phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hoá, công tác quản lý quy họach xây dựng và hạ tầng kỹ thuật vẫn còn rất nhiều bất cập, đòi hỏi các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giải quyết thủ tục hành chính.
Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý đô thị thì ngoài việc rà soát, bổ sung các quy trình nghiệp vụ quản lý cần có các công cụ để hỗ trợ, năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã có văn bản 1910/UBND-VX cho phép triển khai dự án: “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý và các phần mềm chuyên ngành xây dựng giai đoạn 1 - thí điểm trên địa bàn TP Thủ Dầu Một”; dự án được xem là một bước khởi tạo quan trọng nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành xây dựng và phát triển hệ thống phần mềm ứng dụng trên nền tảng ứng dụng công nghệ GIS để phục vụ công tác quản lý quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Sau thành công của giai đoạn thí điểm, năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tiếp tục cho triển khai dự án trên toàn địa bàn tỉnh thông qua việc ban hành Quyết định số 3045/UBND-VX về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và cho phép triển khai dự án: “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý và các phần mềm chuyên ngành xây dựng giai đoạn 2” với mục tiêu hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ công tác quản lý quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật trên toàn địa bàn. Đơn vị tư vấn triển khai dự án là Trung tâm Công nghệ Thông tin Địa lý DITAGIS, Trung tâm Khoa học – Công nghệ trực thuộc Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM.
Thông qua dự án này, hệ thống cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch sử dụng đất các dự án phát triển đô thị trong toàn tỉnh đang từng bước được chuẩn hóa, hoàn chỉnh và nhất quán các dữ liệu ngành xây dựng trên trung tâm dữ liệu dùng chung của tỉnh Bình Dương. Đây cũng chính là nền tảng cơ bản để phát triển các ứng dụng trong quản lý nhà nước, ứng dụng trong giải quyết Thủ tục hành chính, tạo tiền đề cho việc triển khai công tác quản lý hệ thống đô thị thông minh và bền vững.
Hệ thống được kết nối liên thông
Đến nay Dự án: “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý và các phần mềm chuyên ngành xây dựng” đã khởi tạo thành công hệ thống thông tin địa lý chuyên ngành xây dựng, hệ thống được cài đặt trên Trung tâm dữ liệu dùng chung của Tỉnh Bình Dương (do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý) và thực hiện các dịch vụ cung cấp dữ liệu. Các cá nhân, tổ chức có thể truy cứu hệ thống thông tin địa lý tại địa chỉ http://gisxd.binhduong.gov.vn/; và có thể tải ứng dụng xem và tra cứu thông tin quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, phản ánh xây dựng trên hệ điều hành IOS (apple store), Android (CH play).
Khối lượng dữ liệu đã được số hóa là rất lớn, bao gồm: 01 quy hoạch chung toàn tỉnh, 12 quy hoạch chung đô thị, 41 quy hoạch phân khu, 46 quy hoạch nông thôn mới và 577 quy hoạch chi tiết trên toàn Tỉnh; hơn 5.000 công trình xây dựng và các hồ sơ liên quan; dữ liệu về quy hoạch và hiện trạng khoáng sản làm vật liệu xây dựng; ngoài ra một khối lượng lớn các dữ liệu hạ tầng kỹ thuật trên toàn Tỉnh cũng đã được thu thập, chuẩn hóa và lưu trữ trong hệ thống như: hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống viễn thông, hệ thống chiếu sáng, công viên - cây xanh, môi trường đô thị,…
Mô hình hệ thống được xây dựng theo mô hình 3 lớp với đa nền tảng và đa ứng dụng trên tất cả các thiết bị: máy tính để bàn, máy tính bản, điện thoại di động. Các phần mềm ứng dụng chuyên ngành được cài đặt trên máy tính người dùng tại các Phòng chuyên môn thuộc Sở Xây dựng và các Sở ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Các doanh nghiệp và người dân có nhu cầu sử dụng dữ liệu quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật có thể thao tác thông qua Web và các app chuyên ngành theo từng lĩnh vực thông qua mạng LAN, Internet hoặc mạng truyền số liệu chuyên dụng của Tỉnh.
Các chức năng, ứng dụng của hệ thống GIS đến nay đã cơ bản phục vụ cho từng nhiệm vụ của các phòng trực thuộc Sở Xây dựng gồm: Kiến trúc - Quy hoạch; Hạ tầng kỹ thuật và Phát triển đô thị; Nhà ở và thị trường Bất động sản; Hoạt động xây dựng; Kinh tế vật liệu xây dựng; Thanh tra; cung cấp các cơ sở dữ liệu về quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, thông tin nhà ở và bất động sản, nhà cao tầng, mỏ khoán sản và các phản ánh về sai phạm trong lĩnh vực xây dựng,… Đặc biệc các Sở, ngành trên địa bàn có thể trên cơ sở dữ liệu nền để triển khai các chương trình, ứng dụng của ngành, phục vụ công tác quản lý nhà nước theo ngành và lĩnh vực.
Ngoài kênh thông tin trực tuyến của Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, người dân có thể truy cập trực tuyến tại địa chỉ: quyhoachxaydung.binhduong.gov.vn để tra cứu các thông tin về quy hoạch xây dựng hoặc: gisxd.binhduong.gov.vn để biết thêm các thông tin về hạ tầng kỹ thuật và các dự án xây dựng tại địa bàn tỉnh Bình Dương. Đến nay, dự án đã có hơn 15 ứng dụng trên nhiều nền tảng khác nhau, được rất nhiều người dân ủng hộ với gần 12 ngàn lượt tải về. Đây cũng được ghi nhận như một tín hiệu lạc quan trong vấn đề cải thiện dịch vụ công phục vụ cộng động.
Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Quy chế thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu ngành Xây dựng làm cơ sở cho các đơn vị có liên quan trong công tác khai thác, sử dụng, cập nhật, quản lý cơ sở dữ liệu dùng chung liên ngành nhằm chuẩn hóa thông tin đầu vào và nâng cao trách nhiệm cập nhật thông tin của các đơn vị sử dụng, quản lý, khai thác, thụ hưởng.
Thời gian tới, ngành xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu các ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên phong trong định hướng phát triển ngành như: công nghệ 3D, AI, BIM và từng bước tích hợp BIM+GIS nhằm nâng cao chất lượng và hiện quả quản lý nhà nước.
Minh Trung