Công ty TNHH MTV Cao Su Dầu Tiếng những kinh nghiệm được đúc kết từ hoạt động quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghệ
Quỹ khoa học và công nghệ là một trong các điều kiện để doanh nghiệp có động lực đầu tư đổi mới công nghệ. Với ý nghĩa đó, doanh nghiệp rất cần sự sát cánh của các cơ quan quản lý Nhà nước để hiện thực hóa yêu cầu nâng cao năng lực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển khả năng cạnh tranh, xây dựng Cao su Dầu Tiếng trở thành thương hiệu mạnh và có vị thế trên thương trường quốc tế.
Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng là một trong những đơn vị sản xuất, kinh doanh cao su thiên nhiên có quy mô lớn của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đứng chân trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhiều năm qua, lãnh đạo và đội ngũ khoa học kỹ thuật Công ty rất quan tâm đến công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao sức cạnh tranh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bằng các giải pháp cải tiến năng suất vườn cây cao su, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và áp dụng phương thức quản lý hiện đại.
Ngay từ năm 2009, thực hiện chủ trương của Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp trích lập Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ (Quỹ KHCN), Công ty đã thực hiện trích lập và thành lập Hội đồng quản lý Quỹ KHCN; qua hơn 10 năm trích lập Quỹ với số tiền tương đối lớn 460,724 tỷ đồng, Quỹ KHCN đã mang lại những lợi ích cho doanh nghiệp tương đối lớn và là đòn bẩy tích cực góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của thương hiệu Cao su Dầu Tiếng trên thương trường quốc tế.
Việc Nhà nước khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học tại doanh nghiệp bằng việc cho phép trích lập Quỹ KHCN đã tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty có nguồn kinh phí ổn định phục vụ công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất mà không làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ. Đội ngũ khoa học kỹ thuật của Công ty có cơ hội và được khuyến khích đầu tư chất xám để tập trung nghiên cứu cải tiến các công đoạn của dây chuyền sản xuất mủ cao su; nghiên cứu cho ra sản phẩm mới đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của thị trường cũng như trang bị các hạng mục máy móc thiết bị kỹ thuật công nghệ cao phục vụ cho quá trình giám sát chất lượng sản phẩm nhằm phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Cao su Dầu Tiếng trên thị trường trong nước và quốc tế.
Song song với nghiên cứu phát triển sản phẩm, Công ty cũng không ngừng chú trọng công tác nghiên cứu các đề tài bảo vệ môi trường liên quan đến cải tiến nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, trang bị các thiết bị đo tự động thông số quan trắc tại trạm xử lý nước thải các nhà máy chế biến cao su. Theo kế hoạch sử dụng Quỹ KHCN giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025, Công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng các đề tài môi trường, đào tạo khoa học kỹ thuật và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho lao động quản lý của đơn vị. Đặc biệt, đề tài nghiên cứu hệ thống quản lý doanh nghiệp toàn diện được kỳ vọng sẽ là bước nhảy vọt của Công ty trong chuyển đổi số toàn diện phục vụ yêu cầu quản lý trong thời đại công nghệ 4.0, đáp ứng chương trình chuyển đổi số quốc gia tới năm 2025 và định hướng tới năm 2030 của Chính phủ.
Bên cạnh những lợi ích của việc trích lập và sử dụng Quỹ KHCN đem lại cho doanh nghiệp, quá trình thực hiện trích lập và sử dụng Quỹ KHCN còn gặp phải các khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức quản lý để tuân thủ đúng theo các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước; còn nhiều rào cản làm cho Quỹ chưa phát huy hết được ý nghĩa thực sự của nó là góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và đầu tư đổi mới công nghệ của Công ty. Đơn cử như đối với đơn vị sản xuất chế biến cao su thiên nhiên, thiết bị công nghệ không thuộc các đối tượng cần chuyển giao công nghệ theo Luật Chuyển giao công nghệ, điểm này làm cho đơn vị không mạnh tay trong đầu tư các máy móc, thiết bị công nghệ mới vì sợ vướng quy định dẫn đến hệ lụy do việc quản lý và sử dụng Quỹ KHCN không đúng mục đích.
Để công tác nghiên cứu khoa học thực sự hiệu quả, doanh nghiệp cần phải thành lập bộ phận chuyên nghiên cứu phát triển. Trên cơ sở đó, tạo sự kết nối, cộng tác với các đơn vị khoa học và chuyên gia uy tín trên nhiều lĩnh vực để cùng hỗ trợ phát triển. Đó là yêu cầu bức thiết mà lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đang đặt ra để có được sự chuyên môn hóa trong công tác nghiên cứu khoa học.
Đối với doanh nghiệp, sẵn sàng đối đầu với kinh tế tri thức là yêu cầu cấp bách để tồn tại và phát triển. Trích lập, quản lý và sử dụng hiệu quả Quỹ KHCN chính là góp phần phát huy chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp. Song song đó, việc tổ chức quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng cũng cần phải được kiện toàn để góp phần khuyến khích, động viên và nâng cao năng lực sáng tạo của đội ngũ công nhân lao động. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển khả năng cạnh tranh, xây dựng Cao su Dầu Tiếng trở thành thương hiệu mạnh và có vị thế trên thương trường quốc tế./.
Hình 1. Mô hình trồng xen cao su gỗ mủ năm 2018 tại Nông trường An Lập
Hình 2. Mô hình trồng xen cao su gỗ mủ năm 2018 tại Nông trường Bến Súc
Nguyễn Kỳ Nam
Phó Phòng TCKT Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng