Công tác chỉ đạo kịp thời nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và những nét đặc biệt về truyền thống kết nối chính quyền địa phương với người dân và doanh nghiệp
Bình Dương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là khu vực phát triển năng động của cả nước; phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh
Bình Dương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là khu vực phát triển năng động của cả nước; phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh; có lợi thế nằm trên các trục lộ giao thông quan trọng của quốc gia là đầu mối giao lưu giữa các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung với thành phố Hồ Chí Minh. Với đặc điểm là vùng công nghiệp trẻ, năng động và có sức bật cao, có tiềm năng lớn, với chính sách trải thảm đón nhà đầu tư được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước hoan nghênh và hưởng ứng trong suốt 20 năm qua. Bình Dương đã trở thành điểm đến được ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đóng góp đáng kể cho việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Để thay đổi mạnh mẽ từ một tỉnh thuần nông trở thành một tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp như hiện nay, các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ mà đi đầu là các chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời của các cấp lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Cụ thể, trong những năm qua Bình Dương tập trung hoàn thành cơ bản một số nhiệm vụ quan trọng và đạt được những kết quả đáng khích lệ như:
- Triển khai nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và các cơ quan Bộ ngành Trung ương;
- Nâng cao chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp; tập trung phát triển nhanh các ngành dịch vụ chất lượng cao; phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới.
- Đầu tư xây dựng cơ bản đồng bộ hệ thống hạ tầng, tăng cường bảo vệ tài nguyên và môi trường; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển; đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước và phát triển kinh tế tập thể.
- Tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế của tỉnh; đẩy mạnh phát triển khoa học – công nghệ. Xây dựng hệ thống hạ tầng y tế hiện đại; chú trọng công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng sống của nhân dân.
- Huy động các nguồn lực thực hiện tốt các chính sách trợ giúp xã hội, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các đối tượng chính sách, người có công cách mạng, đối tượng xã hội, hộ nghèo. Thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án an sinh xã hội, đảm bảo gắn phát triển kinh tế với công bằng xã hội.
- Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các bệnh viện, trung tâm y tế. Tiếp tục thực hiện xã hội hóa lĩnh vực y tế, thực hiện đề án liên kết, thu hút các Bệnh viện lớn có uy tín ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội mở chi nhánh tại Bình Dương để thực hiện các dịch vụ y tế chất lượng cao, đào tạo ngắn hạn, chuyển giao tay nghề, kỹ thuật. Xây dựng Đề án chăm sóc sức khỏe kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch làm tiền đề hình thành các trung tâm y tế chuyên sâu, hiện đại.
* Những nét đặc biệt về truyền thống kết nối chính quyền địa phương với người dân và doanh nghiệp
Góp phần hoàn thành được các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra và đạt được những thành tựu nhất định trong thời gian qua phải kể đến sự nỗ lực của chính quyền tỉnh trong công tác kết nối với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Xây dựng dự án Thành phố thông minh tỉnh Bình Dương, chú trọng mối liên kết giữa “3 nhà” là nhà doanh nghiệp – nhà trường – nhà nước, đầu tư hạ tầng thông minh, hiện đại, tiết kiệm năng lượng...góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng và khai thác cơ sở hạ tầng.
Trong các năm qua, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đến công tác kết nối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân, xem đây là điều kiện và tiền đề để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là cơ sở thuận lợi để triển khai và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị. Cụ thể, tỉnh đã:
- Xây dựng Trung tâm hành chính công tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đến tiếp xúc, làm việc góp phần rút ngắn thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính.
- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 Về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020;
- Chủ động nâng cao nhận thức cho các bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong công tác lắng nghe, tiếp xúc và làm việc với người dân và doanh nghiệp; qua đó giúp họ hiểu rõ hơn về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia vào các phòng trào ở địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
- Chỉ đạo các cơ quan, địa phương triển khai, xây dựng và thực hiện nghiêm túc việc xây dựng “Chính quyền thân thiện, Công sở thân thiện” giai đoạn 2016 – 2020; tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ công chức, xem đây là một trong những nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm trong việc giải quyết công việc hành chính trong phục vụ nhân dân. Một số hoạt động thiết thực của phong trào này như xây dựng bảng phương châm hành động “5 biết: Biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi và biết cảm ơn”; “3 thể hiện: Tôn trọng, văn minh, gần gũi”; đặc biệt các cơ quan, địa phương đã thực hiện kịp thời các Thư như Thư xin lỗi, Thư cảm ơn, Thư chúc mừng, Thư chia buồn và Phiếu khảo sát mức độ hài lòng của nhân dân khi đến liên hệ giải quyết công việc thể hiện sự chia sẻ, đồng cảm của chính quyền đối với nhân dân.
- Thường xuyên rà soát và kịp thời sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính theo hướng giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, áp dụng công nghệ thông tin vào quy trình quản lý và giải quyết công tác hành chính; trang bị phương tiện phục vụ công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao tính khách quan, trung thực, công khai, minh bạch và giải quyết nhanh chóng. Nằm trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, ngày 24/8/2016 UBND tỉnh Bình Dương đã ký bảng cam kết với phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn tối đa 2 ngày làm việc; giảm 50-60% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 77 ngày...
- Thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo UBND tỉnh và đại diện các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để chủ động lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đang tồn đọng, những việc làm được và chưa làm được của các cấp chính quyền để kịp thời có những chỉ đạo sát sao, hiệu quả nhằm hỗ trợ tối đa cho động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp
- Thực hiện tốt công tác tiếp, làm việc và giải quyết thường xuyên các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của người dân.
Mạnh Hùng