Chàng trai được vinh danh trong Giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu”
Vừa qua, Hội đồng xét tặng giải thưởng gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu đã vừa bỏ phiếu bình chọn được 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 từ 20 gương mặt được đề cử.
Giải thưởng "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu" là phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn nhằm suy tôn những điển hình thanh niên tiên tiến tiêu biểu trên các lĩnh vực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo động lực phát triển tài năng trẻ và thúc đẩy phong trào thi đua học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo trong thanh thiếu nhi; củng cố và phát triển tổ chức Đoàn, Đội, Hội. Và trong lĩnh vực kinh doanh – khởi nghiệp, Lê Anh Tiến đã là gương mặt được Hội đồng bình chọn với số phiếu tuyệt đối.
Lê Anh Tiến là cái tên không hề xa lạ trong công đồng khởi nghiệp. Từ thời phổ thông, chàng trai sinh năm 1990 Lê Anh Tiến đã giành một loạt giải thưởng ở nhiều lĩnh vực như: cuộc thi Tin học trẻ không chuyên của TP. Đà Nẵng, Huy chương đồng Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc… Năm 2015, khi 25 tuổi, Tiến là một trong số 10 người trẻ giành giải thưởng Quả Cầu Vàng. Trong 4 năm 2011, 2015, 2016 và 2019, Tiến được trao tặng giải thưởng Nhân tài Đất Việt.
Tuổi thơ tự lập
Sinh ra trong một gia đình lao động phổ thông - bố dạy lái xe, mẹ buôn bán tạp hóa và có thời gian làm công việc bán quán nước về đêm rất vất vả, Tiến luôn ý thức về việc phải tự lập từ nhỏ. “Mình biết đi làm kiếm tiền từ khá sớm. Ngay từ thời mẫu giáo, mình đã lặn lội đi làm từ việc trông xe, nên tuổi thơ của mình rất ít khi đi chơi, mà chỉ tập trung cho việc trải nghiệm cuộc sống ngoài xã hội”-Lê Anh Tiến bồi hồi nhớ lại.
Năm vào lớp 1, Tiến được ba mẹ đưa vào chùa sống cùng các sư. “Từ khi sống trong đó, mình được tiếp xúc với khá nhiều thành phần trong xã hội, được nghe thầy giảng đạo thường xuyên, từ đó mình có thêm nhiều góc nhìn về cuộc sống, dẫn đến các sản phẩm của mình cũng hướng tới xã hội, cộng đồng”, Tiến nói.
Có lẽ cũng chính thời gian hơn 10 năm sống trong chùa đã giúp Tiến rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc. “Mọi sự bỏ cuộc đều do cảm xúc chi phối. Chỉ cần chúng ta chi phối tốt cảm xúc thì sẽ vượt qua rất nhiều áp lực cũng như thất bại. Theo kinh nghiệm của mình, mọi người nên tập thiền nhiều hơn, tập quan sát nhịp thở của mình thường xuyên hơn, sống chậm lại sau mỗi thất bại, quan sát nhiều hơn thì sẽ giúp bạn có thêm động lực để đi tiếp”.
Tiến nói, khi làm “startup” thì nên bỏ khái niệm làm việc 8 tiếng/ ngày, mà hãy “focus” (tập trung) nhiều hơn, có thể là 15 tiếng/ ngày. “Như trường hợp của mình thì mình chỉ ngủ 3 tiếng/ ngày, còn lại mình dành thời gian cho các sản phẩm, và nâng cao năng lực về quản trị. Có thể sau này khi đã có gia đình thì mình sẽ giảm bớt thời gian công việc hơn, để dành thời gian chăm sóc cho bản thân và mọi người”. Tiến chân thật chia sẻ.
Từ sản phẩm cho người khuyết tật ...
Trong số hàng chục sáng chế về công nghệ, sản phẩm kính dành cho người khuyết tật MultiGlass là một trong những sáng chế ấn tượng của chàng trai sinh năm 1990. Ý tưởng về chiếc kính đặc biệt này bắt nguồn từ lần ghé thăm Trung tâm Khuyết tật thành phố Huế.
Khi chứng kiến người khuyết tật sử dụng máy tính rất khó khăn, Tiến và một người bạn đã nảy ra ý tưởng chế tạo một chiếc kính thông minh hỗ trợ người khuyết tật sử dụng máy tính bằng cách cử động đầu. Đồng thời, sản phẩm này còn tích hợp còi báo chống buồn ngủ, giúp các tài xế tránh mất tập trung và giảm tai nạn giao thông do mệt mỏi.
Năm 2019, với MultiGlass, Tiến trở thành quán quân cuộc thi ‘Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2019’ trong khuôn khổ sự kiện Techfest 2019 và được quỹ Lotus Impact đầu tư 300.000 đô la trong vòng gọi vốn “Seed”. Với chiến thắng này, Tiến và người anh song sinh Lê Hoàng Anh trở thành đại diện của Việt Nam tham gia Startup World Cup 2020 được tổ chức tại San Francisco, Mỹ. Tiến cho biết, trong năm 2019 và 2020, sản phẩm sẽ được nghiên cứu để giảm giá thành, tạo điều kiện cho nhiều người được tiếp xúc hơn.
.... đến công nghệ cho toàn xã hội
Sau khi tốt nghiệp ngành Điện tử viễn thông, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Tiến đầu quân cho một số doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước. Năm 2016, cậu được một giáo sư của ĐH Stanford đồng ý nhận theo học bậc tiến sĩ, nhưng vì thời điểm đó đang dở dang một dự án “startup” nên Tiến bảo lưu suất học cho đến bây giờ. “Mình dự định trong thời gian tới khi các dự án đã phát triển ổn định sẽ rút cổ phần và tiếp tục việc học tập”, Tiến chia sẻ.
Hiện tại, chàng trai sinh năm 1990 đang rất bận rộn với việc phát triển Chatbot - một nền tảng nhắn tin chuyên nghiệp dành cho các doanh nghiệp và đơn vị kinh doanh. Cùng với hai thành viên khác đều ở độ tuổi 9X là Hoàng Minh Phú và Nguyễn Đình Tùng, cả ba đã thành lập Chatbot Việt Nam, khi xu hướng khởi nghiệp với chatbot đang phát triển ở Việt Nam dựa trên công nghệ chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo…
Chatbot Việt Nam cung cấp các giải pháp về chatbot trên các nền tảng các ứng dụng nhắn tin như Messenger, Zalo, Viber… cũng như tự động đồng bộ khách hàng đa kênh, chăm sóc, re-marketing đến nhóm khách hàng mục tiêu. Theo đó, người dùng có thể tìm kiếm thông tin, mua sản phẩm, dịch vụ qua Messenger, thay vì phải truy cập vào các trang thương mại điện tử.
Với đội ngũ hiện tại, CEO Chatbot Việt Nam tự tin sẽ nhanh chóng giải quyết được khó khăn lớn nhất nói chung với các mô hình chatbot là hình thành thói quen mua hàng của người dùng qua các ứng dụng nhắn tin Messenger. Giới thiệu về startup đang thực hiện, CEO Chatbot Việt Nam cho biết: “Hiện có gần 300.000 người dùng tương tác trực tiếp vào hệ thống Chatbot Việt Nam mỗi tháng và hơn 68.000 fanpage cài đặt chatbot hỗ trợ bán hàng, trong đó, hơn 7.000 fanpage trả phí, tùy theo gói dịch vụ. Chatbot Việt Nam phục vụ 3 nhóm khách hàng là doanh nghiệp, nhà nước, cá nhân; trong đó, gói cá nhân có giá 290.000 đồng/tháng. Doanh thu năm 2019 đạt 70 tỷ đồng cũng tạm đủ để tiếp tục phát triển sản phẩm đến khi bước vào giai đoạn mở rộng thị trường. Khi đó, chúng mình sẽ cần ít nhất 3 triệu USD”.
Cấy nền tảng vào nền tảng
Mục đích ban đầu khi xây dựng Chatbot là phục vụ việc quản lý cửa hàng cà phê mà Lê Anh Tiến và đội ngũ sáng lập đang vận hành tại một không gian làm việc chung. Sau 3 tháng triển khai thử nghiệm đạt hiệu quả trên mức kỳ vọng, đội ngũ này cải tiến và nhân rộng trở thành sản phẩm thương mại. Lê Anh Tiến cùng đội ngũ sáng lập dựa trên những con số “biết nói” để lựa chọn mô hình “ký sinh” cho Chatbot. Đó là, 48% dân số Việt Nam sử dụng mạng xã hội, 91% cửa hàng sử dụng Facebook, hơn 30 triệu người dùng Facebook sẽ có tương đương số lượng tài khoản sử dụng Messenger.
“Startup có nguồn vốn hạn hẹp. Vì vậy, thay vì tốn chi phí tiếp cận người dùng đến với từng trang mua hàng, thì việc tích hợp trên nền tảng Messenger, hay chọn cách ký sinh trên người khổng lồ đã có sẵn hàng chục triệu người dùng, với hành vi sử dụng đã trở thành thói quen là cách tiết kiệm chi phí hiệu quả”, Lê Anh Tiến chia sẻ.
Messenger, Instagram và WhatsApp đều thuộc quyền sở hữu của Facebook. Anh Tiến cho biết, dự kiến cuối năm 2020, cả 3 ứng dụng nhắn tin, mạng xã hội này sẽ được hợp nhất. Đó là cơ hội để Chatbot Việt Nam có thể tiếp cận thêm nhóm khách hàng tại Instagram và WhatsApp cũng như có thêm dữ liệu phân tích hành vi người mua hàng.
Lựa chọn hình thức “ký sinh” vào Facebook nghĩa là, nếu càng phụ thuộc vào mạng xã hội này, rủi ro hệ thống của Chatbot Việt Nam sẽ càng cao. Do đó, chuẩn bị sản phẩm gối đầu là kế hoạch Chatbot Việt Nam buộc phải được thực hiện. Đội ngũ Chatbot Việt Nam đưa ra giả thuyết, 1 - 2 năm tới, công cụ chatbot sẽ trở nên phổ biến và sẽ có thêm nhiều đối thủ tham gia vào thị trường. Khi đó, dù muốn hay không, Chatbot Việt Nam buộc phải chia sẻ lượng khách hàng. “Thời gian tới, Chatbot Việt Nam sẽ không quá phụ thuộc riêng vào Facebook. Sản phẩm gối đầu chúng tôi đang xây dựng sẽ dựa trên việc cấy nền tảng Chatbot Việt Nam vào các nền tảng chatbot khác. Khi đó, khách hàng của các đối thủ cạnh tranh cũng sẽ là khách hàng của chúng tôi”, Lê Anh Tiến chia sẻ về kế hoạch phát triển sản phẩm và cho biết, muộn nhất 2 tháng nữa, phiên bản “ký sinh” 2 của Chatbot Việt Nam sẽ được ra mắt.
Trò chuyện với Tiến, ai cũng nhận ra cậu say mê và hào hứng lạ thường khi nói về khởi nghiệp. Tiến bảo, trong khởi nghiệp, khó khăn lớn nhất vẫn là tìm đúng người, đúng thời điểm và đúng thị trường. “Để có thể vượt qua các khó khăn đó thì phải chấp nhận sự thất bại nhiều lần. Bản thân mình đã từng khởi nghiệp ở rất nhiều dự án khác nhau, và cũng từng thất bại rất nhiều. Dự án đầu tiên của mình tự khởi nghiệp đó chính mạng xã hội. Vào năm 2011, khi mà khái niệm mạng xã hội còn khá mới với người dùng thì mình lại dấn thân vào lĩnh vực này và cũng đã thất bại trước Facebook... Nên để khởi nghiệp thành công thì mình khuyên các bạn nên chấp nhận thật nhiều thất bại. Và quan trọng là phải biết dừng đúng lúc để không làm suy giảm nhiệt huyết cho các lần khởi nghiệp tiếp theo”.
Chia sẻ khi được hỏi về vấn đề kêu gọi đầu tư, chàng trai sinh năm 1990 cho biết: “Thực ra từ trước tới nay có nhiều nhà đầu tư ngỏ lời muốn rót vốn cho các sản phẩm của mình nhưng chọn thời điểm nào để nhận vốn đầu tư cũng là một yếu tố quan trọng. Không phải cứ nhận đầu tư sớm là hay. Những nhà đầu tư nghiêm túc thường đợi tới khi sản phẩm có thể tự nuôi sống mình, phát triển ổn định thì mới đầu tư”.
Để đi đến được ngày hôm nay, Lê Anh Tiến đã thất bại hàng trăm lần. “Nhưng quan trọng là sau mỗi thất bại, mình đều có thể đứng lên. Để làm được điều này đòi hỏi phải có sự luyện tập... Và bí quyết để làm ‘start-up’, chỉ có duy nhất một thứ, đó là đam mê!”.
Minh Phượng (vista.gov.vn)