Thách thức phát triển bền vững tại Việt Nam
Các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, đói nghèo, thiên tai, sự bất cập về giáo dục, y tế... Việt Nam không phải ngoại lệ, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế kinh tế và cuộc cách mạng 4.0 diễn ra mạnh mẽ.
Nông nghiệp là ngành điển hình chịu ảnh hưởng nặng bởi biến đổi khí hậu, với những hình thái thời tiết cực đoan, hạn mặn, nước biển dâng... Các ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm gây ra hiệu ứng nhà kính cao và thải ra lượng rác thải ngày càng lớn. Đa phần sản xuất tại nước ta ở quy mô nhỏ, phân tán, chưa áp dụng công nghệ vào các khâu triệt để... Điều này đặt ra yêu cầu về những mô hình kinh doanh mới, thích ứng cao với biến đổi khí hậu, bảo tồn và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu và xử lý rác thải hữu cơ và vô cơ trong nông nghiệp.
Ô nhiễm môi trường như nước thải, không khí, ô nhiễm nguồn nước và đất đai đang có nguy cơ tăng nhanh ở Việt Nam, do các hoạt động nông lâm ngư nghiệp, sản xuất, du lịch dịch vụ, sinh hoạt thiếu mục tiêu bền vững. Xử lý rác thải rắn cũng là một trong những thách thức lớn nhất ở Việt Nam, đặc biệt là rác thải công nghiệp, rác thải y tế và rác thải sinh hoạt. Cơ chế quản lý tại nguồn hay phân loại và xử lý rác thải độc hại còn tồn tại nhiều bất cập.
Du lịch là ngành mũi nhọn của Việt Nam với mục tiêu năm 2025 đạt tổng doanh thu 45 tỷ USD, đóng góp 10% GDP cả nước. Tuy nhiên, ngành này đang đứng trước thách thức không nhỏ như phát triển điểm đến thiếu tính bền vững, gây ảnh hưởng không tốt tới môi trường tự nhiên và văn hóa bản địa. Đây cũng là ngành có lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính cao, phát sinh chất thải từ các cơ sở kinh doanh và du khách chưa được thu hồi hay xử lý triệt để.
Sáng kiến kinh doanh nhằm giải quyết các vấn đề xã hội
Theo đại diện Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng CSIP, những vấn đề xã hội trên là yếu tố thúc đẩy các giải pháp sáng tạo và đổi mới ra đời.
"Khởi nghiệp hướng đến cộng đồng là một xu thế tất yếu vì bản chất của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là phục vụ cộng đồng tạo ra các giá trị gia tăng và bền vững cho xã hội, đất nước", bà Phạm Kiều Oanh, sáng lập CSIP nhận định. Trong đó, kinh tế là yếu tố cần thiết để tồn tại và nhân rộng, nhưng giải quyết vấn đề xã hội mới là mục tiêu đích của một doanh nghiệp xã hội.
Đại diện CSIP chia sẻ, suốt thập kỷ qua, khái niệm doanh nghiệp xã hội chưa được định nghĩa rõ ràng, thậm chí có nhiều hoài nghi. Nhiều người thậm chí còn đặt câu hỏi, việc kết hợp các vấn đề xã hội với kinh doanh có thực sự giải quyết được các vấn đề xã hội hay chỉ là cách PR.
Đến nay, cộng đồng doanh nghiệp, giới phát triển cũng như giới học giả tại Việt Nam đã thừa nhận đây là một hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội. Bên cạnh sự gia tăng về số lượng, tinh thần doanh nhân xã hội đã bắt đầu lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Đơn cử, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng CSIP với dự án Remake City Hà Nội đã ươm mầm và tăng tốc nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp ý nghĩa, như Imagtor, cung cấp dịch vụ chỉnh sửa ảnh với đội ngũ nhân sự hơn 60% người khuyết tật; Journey of the Senses (JOS), nhóm các nhà hàng cao cấp và dịch vụ sáng tạo tạo việc làm cho người khuyết tật; Công ty 1516 sản xuất tua bin gió kết hợp pin năng lượng mặt trời quy mô nhỏ, cung cấp năng lượng cho người nghèo, người thu nhập thấp; Ybox - nền tảng chia sẻ thông tin về công việc, kỹ năng, cơ hội cho người trẻ Việt.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn gặp nhiều thách thức, đòi hỏi việc hình thành và phát triển một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện cho các sáng kiến xã hội tại Việt Nam./.